Thời sự
Chính thức vận hành nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa
Minh Sơn - 18/04/2020 14:47
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sỹ qua hình thức gọi điện, nhắn tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng nay 18/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế đã tổ chức lễ Khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự sự kiện.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Với nền tảng này, các cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Sự ra đời của nền tảng sẽ giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại chỗ để vận hành, duy trì.

Nền tảng giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế.

Giới thiệu nền tảng khám chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển. (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.

Tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng trong đó có đội ngũ y bác sỹ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tích cực tham gia trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với nhau để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, từng bước hình thành hệ thống hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Ngoài ra, hai bộ cũng phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trước ngày 20/4 để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là thời điểm cho chuyển đổi số bứt tốc. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng tạo ra các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.

Cũng tại sự kiện, các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương để khám bệnh.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Từ đó, bác sỹ ở bất kì đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam./.

 (
Tin liên quan
Tin khác