Theo Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng nay, trong 8 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 4.724 cuộc thanh tra hành chính và hơn 89.280 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng và 452 ha đất.
Trong 8 tháng đầu năm, cơ quan này đã ban hành 127.815 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tham nhũng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 43 vụ với 43 đối tượng.
| ||
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
“Soi” vào những số liệu trên, Chủ tịch Quốc hội và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không khỏi nghi ngờ có sự “nương tay”, thậm chí là bao che, tiêu cực trong chống tham nhũng.
Theo ông Hùng, tình trạng quan chức ăn nhậu, chạy chức, chạy quyền đều tiền chục triệu, trăm tiệu ngày càng phổ biến, người dân ai cũng biết.
“Nếu không lấy tiền tham nhũng thì lấy tiền đâu mà ăn nhậu, mà chạy chức, chạy quyền”, ông Hùng phát biểu và đặt câu hỏi về trách nhiệm với các cơ quan nòng cốt trong chống tham nhũng như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hải Phong gián tiếp xác nhận là “có tiêu cực ngay trong việc chống tham nhũng”.
“Có địa phương phát hiện 804 vụ việc có liên quan đến tham nhũng, nhưng chỉ đề nghị xử lý hình sự 2 vụ. Tham nhũng nhiều nhưng tuyệt đại đa số là xử lý hành chính, xử lý hình sự quá ít, có thể nhận định, có tiêu cực ngay trong việc chống tham nhũng”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng xác nhận hiệu quả chống tham nhũng chưa cao, do có quá nhiều cơ quan cùng tham gia đã dẫn tới tình trạng “lắm sư, nhiều vãi không ai đóng cửa chùa”.
“Người dân tham ô vài chục triệu đồng thì bị xử lý hình sự, bị phạt tù, trong khi đó cán bộ tham nhũng tiền tỷ chỉ bị xử lý hành chính, nặng thì buộc thôi việc, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo. Thực tế này cho thấy có tiêu cực ngay trong việc chống tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bình luận.
Theo ông Hiện, việc xử lý tham nhũng chủ yếu bằng biện pháp hành chính đã và đang giảm lòng tin của người dân với hệ thống chính trị, làm nhụt chí chống tham nhũng của ngươi dân.
Không ngại va chạm, ông Ksor Phước hỏi thẳng: “Có bao nhiêu vụ án điểm, vụ án có quy mô lớn trong quá trình điều tra, xét xử, cơ quan bảo vệ pháp luật nhận được “ý kiến góp ý” của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền? Tôi hỏi điều này vì người dân đang mất lòng tin trước việc hàng loạt vụ án tham nhũng lớn đều xử lý hành chính, “giơ cao đánh khẽ” thay vì xử lý hình sự”.
Ông Phước cho rằng, tình trạng án tham nhũng điều tra, xử lý dây dưa kéo dài đã và đang khiến lòng tin của người dân vào công cuộc chống tham nhũng giảm. Nhiều vụ án đã được kết luận, nhưng hình thức xử lý thế nào không được công bố công khai đang thách thức sự kiên nhẫn của người dân.
“Là cán bộ cấp Trung ương quản lý, đồng thời còn là Ủy viên Thường vụ Quốc hội mà tôi cũng không biết kết quả xử lý nhiều vụ án tham nhũng trọng điểm đã được kết luận thì làm sao người dân có thể biết được”, ông Phước thành thật.
Trong khi Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, người có chức, có quyền “ăn” mọi thứ có thể “ăn được”, không từ bất cứ miếng lợi lộc nào dù là nhỏ nhất thì ông Phước đánh giá, tham nhũng diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực, từ tiền xóa đói, giảm nghèo, chế độ chính sách cho thương binh, liệt sỹ đến xây dựng công trình, dự án bằng tiền ngân sách lẫn tiền không có nguồn gốc từ ngân sách.
Ông Phước bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu quả chống tham nhũng thời gian vừa qua và cho rằng, để nâng cao công tác chống tham nhũng thì năm 2014, Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương tập trung vào một số trọng tâm trọng điểm như lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông, cầu đường.
Tham nhũng đối với các lĩnh vực kể trên, theo ông Phước không khó phát hiện nếu chỉ “dạo” qua một vòng các biệt thự ở Hà Nội và TP.HCM.
“Tôi không tiện nêu tên, nhưng tôi khẳng định, rất nhiều biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng ở Hà Nội và TP.HCM thuộc sở hữu của cán bộ ở vùng sâu, vùng xa. Họ lấy tiền đâu để mua biệt thự cho con cái và sau này khi “hạ cánh” đều về Hà Nội hoặc TP.HCM để hưởng tuổi già. Đây là những con cá lớn, phải bủa vây lưới mà bắt mới yên được lòng dân”, ông Phước thẳng thắn.
Theo ông Phước, cứ nơi nào có nhiều quyền lực thì nơi đó nhiều tham nhũng, nơi nào được sử dụng nhiều tiền thì nơi đó tham nhũng nhiều.
“Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương cần tập trung nhân lực và thời gian để “bắt những con cá lớn” này, còn những “con cá nhỏ” thì giao trực tiếp cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện”, ông Phước nói.
Hàn Tín