Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng vì con chưa được tiêm vắc-xin nhưng trường học đã mở cửa. Vậy làm thế nào để phòng ngừa cho trẻ, cách ứng phó khi trẻ không may bị mắc Covid-19 là việc các bậc phụ huynh hiện rất quan tâm.
Việc cần thiết lúc này là bảo đảm an toàn cho trẻ khi trở lại trường. |
TS.Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ em rất dễ mắc các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc.
Do vậy, các cháu đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.
Về nguy cơ sức khỏe khi trẻ mắc Covid-19, theo bác sĩ Nam, phần lớn các trường hợp biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như sốt, ho, sổ mũi, mệt ...
Một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Diễn biến nặng đa phần trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống.
Vậy nên để bảo đảm sức khỏe khi trẻ trở lại trường, cha mẹ nên tiêm phòng cho trẻ ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng, dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; tránh nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập;
Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác, hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch như 5K;
Hướng dẫn để rác thải đúng nơi quy định; khi có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm long hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm. Các cha mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần.
Với những trẻ đã mắc Covid-19 nhưng có thể điều trị ở nhà, gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ. Theo đó, trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.
Khi học sinh đi học trở lại, cha mẹ cần dự phòng một số loại thuốc như hạ sốt, bù nước điện giải, có thể bổ sung Vitamin tổng hợp, thuốc điều trị ngạt tắc mũi, thuốc ho. Tuy vậy các bậc phụ huynh phải dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi có những triệu chứng sau: Sốt cao > 39 độ không kiểm soát được; thở nhanh; nhịp tim nhanh; nếu có máy đo SpO2 < 95%; đau ngực; dấu hiệu đau đầu, nôn nhiều; kích thích; mệt lả; ăn uống kém hơn bình thường
Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc để trẻ sốt cao nhưng không hạ nhiệt độ sẽ gây co giật và để lại di chứng. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không nên cho con dùng quá liều các loại thuốc giảm đau, hạ sốt do có nguy cơ trẻ ngộ độc, tổn thương gan.
Ngoài ra, phụ huynh có thể dùng máy phun sương, tăng độ ẩm không khí. Với trẻ lớn, cha mẹ nên hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối loãng, ấm với tần suất khoảng 5-6 lần/ngày.
Khi bé ngạt mũi, một số loại thuốc có thể sử dụng khi được chỉ định là Methophan dạng siro, AT deslotaradin, Halixol, U-thel syrupt, xịt olyfrin, xitrat, nhỏ otriven với bé dưới một tuổi hoặc ottrivin cho bé trên một tuổi.