Thời sự
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn: Không đâu ở nước mình không thể làm giàu
Khánh An - 24/01/2023 09:31
“Nếu đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết, trước hết, thì quyết định dù khó thế nào cũng sẽ thanh thoát, kể cả với người đề xuất cũng như lãnh đạo quyết định”, chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn mong muốn, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn nữa, để phát huy vai trò động lực của nền kinh tế.

Đặt dân, đặt nước lên trên, thì mọi quyết định đều thanh thoát

“Không đâu trên đất nước mình nghèo cả, ở đâu cũng có thể làm giàu, kể cả vùng sâu, vùng xa. Dân mình cũng thế, không ai muốn ngồi không và nghèo đói, chỉ cần một môi trường phù hợp, chính sách phù hợp… Tôi nhắc lại câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đấy!”.

Ông Vũ Quốc Tuấn, trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1985 đến 1994, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu câu chuyện với âm giọng rành rọt.

Năm Quý Mão 2023, ông bước vào tuổi 97, trải qua gần như mọi chuyện ở đời, nhưng ông chưa muốn nghỉ ngơi. Ông đọc nhiều, nghe nhiều, trao đổi thường xuyên với các chuyên gia thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải…

Những ngày cuối năm 2022, họ đã có dịp gặp nhau trong lễ ra mắt cuốn sách “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân”, lại có dịp nhớ về một thời mà ông Tuấn nói gì, làm gì, nghĩ gì cũng hăng say, dù việc nào cũng khó, cũng mới.

“Chúng tôi nói với nhau, hơn 20 năm trước, sau khi đi thực tế, nghe doanh nghiệp kêu ca, chúng tôi đề xuất Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ cả trăm giấy phép con, doanh nghiệp tư nhân bừng nở như nấm sau mưa. Vậy mà giờ đây, vẫn thấy doanh nghiệp kêu bị bó tay, bó chân vì điều kiện kinh doanh…, nhưng không thấy lãnh đạo lên tiếng. Chúng tôi chỉ mong, dân cần gì, doanh nghiệp cần gì, thì lãnh đạo chia sẻ và gỡ vướng, như thời Thủ tướng Kiệt vì Dân dám làm, dám chịu; hay Thủ tướng Khải vì doanh nghiệp mà xóa giấy phép con…”, ông Vũ Quốc Tuấn tâm tư.

Hồi đó, có bao giờ các ông ngại động chạm, ngại vi phạm quy định hiện hành không?

Nếu đặt lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, của đất nước lên trên hết, trước hết, thì quyết định dù khó thế nào, thậm chí là va chạm về tư duy, ý thức hệ… cũng sẽ thanh thoát, kể cả người đề xuất cũng như lãnh đạo quyết định.

Như thời chúng tôi đề xuất làm kế hoạch 3 phần cho doanh nghiệp nhà nước những năm đầu Đổi mới, có kinh nghiệm gì về kinh tế thị trường đâu, nhưng đi thực tế, thấy doanh nghiệp có thể làm hơn kế hoạch Nhà nước giao, thì sao không làm, trong khi nhu cầu của người dân thì có, hàng thì thiếu. Vậy là viết ra kế hoạch lập trên nhu cầu có khả năng thanh toán, thay vì doanh nghiệp cứ sản xuất, phân phối, còn người dân cứ “phát gì, nhận nấy”…

Cũng có tranh luận, phản đối,  lo chệch hướng xã hội chủ nghĩa, song chúng tôi rất hào hứng, nói thẳng, nói thật vì được lắng nghe, được tranh luận không hạn chế, kể cả thời Thủ tướng Kiệt, Thủ tướng Khải…

Ông đã từng viết về Ban Nghiên cứu “5 không” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Không biên chế, không chức quyền, không lương, không có trên dưới và không bị hạn chế khi phát biểu với Thủ tướng. Năm không, nhưng là tất cả những gì đội ngũ chuyên gia, tư vấn cần.

Thời đó, nhiều vị lãnh đạo hay ngắt lời người khác khi không đúng ý, nên không phải ai cũng sẵn sàng có ý kiến, nhưng ông Kiệt thì khác. Ông ấy chịu học, chịu nghe, không ngắt lời, không quy chụp ai cả… Đó là lý do các chuyên gia trong nước, nước ngoài được mời tham gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, trước đó là Tổ Chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành, nhóm chuyên gia độc lập… đều hồ hởi, tin tưởng. 

Tôi vẫn nhớ câu nói của ông Kiệt rằng, không phải cứ gắn cái mũ cấp ủy vào là có thể hiểu biết tất cả, có thể phát biểu chỉ đạo mọi việc, ngồi ở vị trí nào cũng phải học. Việc dám làm, dám chịu của ông ấy cũng dựa trên sự lắng nghe, học hỏi và nắm bắt yêu cầu thực tiễn, kể từ việc nhỏ, đến việc lớn, việc nhạy cảm.

Những việc lớn, như việc ông quyết thực hiện Dự án Đường dây 500 kV, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, hay trước đó là xóa bỏ phân phối lương thực ở Hà Nội, tổ chức ngân hàng hai cấp…, thì đã được nhiều người kể. Cả việc tưởng như đơn giản như tổ chức lễ đón lãnh đạo các nước đến thăm ở Phủ Chủ tịch, thay vì ở sân bay Nội Bài, cũng bị nhiều người phản đối, lo chệch hướng xã hội chủ nghĩa…

Nhưng mọi việc đều được giải quyết khi mọi người đặt lợi ích của dân, của nước trước hết, chứ không phải lợi ích của phe nhóm, của anh, của tôi hay vì cái ghế của ai…

Sau này, khi chúng tôi đề xuất cắt giảm giấy phép con với Thủ tướng Phan Văn Khải, các bộ, ngành phản đối nhiều lắm, chủ yếu lo không biết quản lý thế nào, sợ rối loạn xã hội…, nhưng khi chúng tôi phản biện bằng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, của người dân, các bộ, ngành cũng đồng thuận.

Bây giờ có vẻ khác, nhiều khi ý kiến không nhất trí, không đồng thuận vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí, có khi tôi đồng ý cho anh cơ chế này, thì anh cũng không được động đến lãnh địa kia của tôi…

Hôm tôi đọc tin về việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS phải trình hồ sơ để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, khiến nhiều đơn vị phải tạm dừng, đợi giấy phép, tôi tự hỏi, tại sao lại làm khó như vậy? Chỉ là hoàn thiện thủ tục hành chính, mà sao không có cách nào thuận tiện hơn, đỡ khó cho doanh nghiệp và cả người dân hơn không? Sao không có lãnh đạo nào lên tiếng...

Nói thời kỳ xưa khó vì khác ý thức hệ, giờ thì khác lợi ích là vậy.

Không đâu trên đất nước mình nghèo cả

Khi nhắc lại câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tiềm năng phát triển của đất nước, ông Vũ Quốc Tuấn đã trầm ngâm rất lâu.

Ông kể, hồi mới ra nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Kiệt xin dành 1 năm để đi nghiên cứu thực tiễn, vì mới ở miền Nam ra, chưa hiểu nhiều về miền Bắc, miền Trung; giao trách nhiệm cho ông Vũ Đại, khi đó là Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm điều hành công việc của Ủy ban trong năm đó.

Một năm sau, ông về, triệu tập cán bộ cốt cán, họp một ngày về các vấn đề kinh tế của đất nước và công tác kế hoạch hóa. Ông đưa ra 2 kết luận. Một là, không đâu trên đất nước mình nghèo cả, ở đâu cũng có thể làm giàu. Hai là, công tác kế hoạch hóa của mình là áp đặt hình thức, quan liêu, triệt tiêu sáng kiến…

Giai đoạn nào cũng có khó khăn, có thách thức phải đối mặt, nhiều khi đòi hỏi phải thay đổi cả ý thức hệ, nhưng chỉ cần vì dân, vì nước, thì sẽ vượt qua.

- Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi kinh tế kế hoạch tập trung là dòng chính trong quản lý kinh tế, nghe những kết luận đó, ông thấy thế nào?

Tôi thực sự ấn tượng, cả tư duy và cách làm. Trong 1 năm đi thực tế đó, ông Kiệt xuống tận huyện, tận xã, tới các hợp tác xã, gặp người dân để hỏi, để học. Sau này, ông cũng đi thực tế nhiều như vậy, còn yêu cầu chúng tôi về cơ sở nghiên cứu trước, có báo cáo riêng, chứ không chỉ nghe báo cáo ở hội nghị… 

Ông ấy còn nói, dân mình chịu thương, chịu khổ, nhưng vẫn nghèo, vì họ không có không gian, không có cơ hội để làm giàu… Giống như bây giờ, doanh nghiệp cũng xoay xở, sáng tạo, nhưng chưa lớn lên được, cứ bé li ti vì nhiều rào cản. Nhiều doanh nghiệp hay nói chỉ cần cơ chế, môi trường là vậy, vì tiềm năng phát triển của đất nước rất lớn, hút vốn đầu tư của cả thế giới đổ về.

Nhờ đi nhiều, học nhiều, nghe nhiều, nên ngay từ những năm 90, ông Kiệt đã nói đến nguy cơ tụt hậu, đặt nguy cơ tụt hậu lên trên nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa…

Hồi đó, có dư luận nói ông Kiệt chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng ông ấy trả lời, những gì chúng ta cần làm là đáp ứng nhu cầu của dân. Người dân, doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa thì phải được bán hàng, chứ sao cứ phải bán cho Nhà nước hay cứ phải để bán trong tỉnh nhà; việc người Việt ở nước ngoài có đô la muốn gửi cho người nhà sao lại khó thế…

Sau này, các việc trên là phi thị trường, là ngăn sông, cấm chợ…, nhưng hồi đó, quyết định xóa bỏ trạm kiểm soát hàng hóa giữa các địa bàn để lưu thông hàng hóa tự do, xóa độc quyền nhà nước về xuất - nhập khẩu hay cho phép kinh doanh ngoại tệ với thị trường tư bản chủ nghĩa… đều bị quy chệch hướng.

Nhưng nhờ kiên quyết làm theo những gì người dân, doanh nghiệp cần, để phát huy sức dân, phát huy ý thức làm giàu của người dân mà sản xuất bung ra, Việt Nam từ chỗ thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh…

Cũng trong quá trình cởi trói sức dân, tinh thần hòa giải dân tộc của ông được lan tỏa, dù thẳng thắn thì đến giờ, mọi việc vẫn chưa xong, dù đất nước đã thống nhất gần 50 năm, dù chúng ta đang kêu gọi người Việt khắp thế giới góp công, góp sức xây dựng đất nước...

Thưa ông, như câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà ông nhắc đến, đất nước mình không chỗ nào nghèo cả, nhưng để thực sự phát huy được tiềm lực của đất nước, dường như chúng ta vẫn thiếu điều gì đó?

Tư duy và cách làm là chìa khóa. Nếu từng người, nhất là người lãnh đạo đất nước chọn đất nước, chọn lợi ích của đất nước lên trên, thì sẽ có những quyết sách để phát huy tiềm lực của đất nước.

Giai đoạn nào cũng có thách thức phải đối mặt, nhiều khi đòi hỏi phải thay đổi cả ý thức hệ, nhưng chỉ cần vì dân, vì nước, thì sẽ vượt qua.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một câu nói cũng rất hay, đó là làm thế nào nâng cao quan trí, nâng cao tầm trí tuệ của bộ máy nhà nước, để Đảng ta phải là lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chứ không phải là cai trị bằng quyền lực. Đây là điều thế hệ chúng tôi đã theo đuổi với tất cả tấm lòng, nhiệt huyết.

Một điều nữa tôi thấy cần nói thẳng, đó là cách đây 30 năm, chúng tôi đã rất cố gắng để đặt nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, kể cả việc phải gọi chệch đi là doanh nghiệp dân doanh, chỉ mong xác định rõ doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Đáng ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải lớn hơn, mạnh hơn nữa.

Năm nay, đất nước ta có nhiều thành tích, nhưng câu hỏi tôi muốn đặt ra là đã phát huy hết năng lực, sức sáng tạo của dân chưa, còn gò bó những gì? Mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình, nhưng tôi cho rằng, dựa vào sức dân chính là quy luật của sự phát triển.

Tin liên quan
Tin khác