Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong gói đề xuất gửi Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, nhóm chuyên gia gồm 8 thành viên do Chính phủ chỉ định cho rằng Nhật Bản "cần ấn định một thời hạn rõ ràng để đạt mục tiêu", như trong 10 năm tới tăng ngân sách ODA lên 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) từ mức 0,34% hiện nay. Theo ủy ban trên, mục tiêu 0,7% GNI đã được quốc tế công nhận tại một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970.
Đề xuất được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị sửa đổi hiến chương về ODA vào năm tới - lần sửa đổi đầu tiên kể từ năm 2015.
Sau khi tiếp nhận gói đề xuất, Ngoại trưởng Hayashi cho biết những đề xuất này "rất rõ ràng về cách thức Nhật Bản sử dụng hợp tác phát triển một cách chiến lược". Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh việc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế là hết sức quan trọng đối với Nhật Bản, đặc biệt là năm 2023 khi nước này tiếp quản cương vị Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), để nước này có thể chủ động ứng phó với những thách thức ngoại giao đang ngày càng gia tăng.
Sau các đề xuất nói trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra dự thảo hiến chương ODA để Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida thông qua trong nửa đầu năm 2023.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vốn ODA của Nhật Bản năm 2020 khoảng 20,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó. Ngân sách dành cho ODA của Nhật Bản trên cơ sở ban đầu đã giảm một nửa so với mức cao nhất vào năm 1997, trong bối cảnh tài chính eo hẹp. Nợ công của Nhật Bản hiện đã cao gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo ủy ban chuyên gia, Nhật Bản cần nâng cao chất lượng và số lượng của ODA để sử dụng nguồn viện trợ này một cách chiến lược như một trong những công cụ quan trọng nhất cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Cụ thể, ODA của Nhật Bản cần góp phần hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Khi thông qua hiến chương ODA hiện hành vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản trên thực tế đã gỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài miễn là vốn ODA được sử dụng cho các mục đích phi quân sự như cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động bảo vệ bờ biển.
Ủy ban chuyên gia gồm các thành viên là học giả và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Nhật Bản cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng viện trợ cho các mục đích phi quân sự "với tư cách là một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa hòa bình".