Thời sự
Chuyện phía sau “màn ảnh” của Đối thoại đầu tuần
Khánh An - 27/09/2022 09:21
Với người Đầu tư, nhu cầu làm mới mình, tạo ra những sản phẩm mới, hình thức thể hiện mới sẽ không dừng lại, cũng có nghĩa hành trình học và làm sẽ tiếp tục.
MC Tuyết Ánh (ngoài cùng bên phải) và hai khách mời “mở hàng” của Đối thoại đầu tuần: TS. Nguyễn Đình Cung (ngoài cùng bên trái) và TS. Nguyễn Minh Thảo (ngồi giữa)



1.

“Chị về nghỉ đi một chút, em hoàn thiện nốt rồi gửi sếp duyệt”, Phùng Chí Cường, BTV Phòng Thông tin đa phương tiện thở phào nói với tôi. 

Lúc đó, đồng hồ chỉ hơn 5 giờ sáng ngày 1/8/2022. Chỉ còn 4 tiếng nữa là đến giờ “lên sóng” của Đối thoại đầu tuần số đầu tiên.

Cho đến tận giờ, gần 2 tháng trôi qua, gần 20 chương trình Đối thoại đầu tuần đã thực hiện, chúng tôi chưa thể quên cảm giác tưởng như bất lực trước cả chục file âm thanh, hình ảnh giăng đầy màn hình. Mất gần 1 ngày 1 đêm, hai chị em vò đầu bứt tai thử nghiệm mọi phương án có thể nghĩ tới, mà sản phẩm xuất ra vẫn cứ hình một nơi, tiếng một nẻo, màu sắc, ánh sáng đủ cấp độ.

5 chiếc máy được huy động, 2 đầu thu tiếng và đội quân 7 người chưa từng nghĩ trong đầu một ngày sẽ ngồi ở vị trí MC, ở vị trí kỹ thuật viên studio, quay phim hay đạo diễn hình ảnh đã xoay vần trong phòng thu gần như cả tuần, đóng đủ các vai để góp ý cho nhau, thử nghĩ đủ mọi giả định cho các tình huống sai sót có thể xảy ra trước khi chính thức mời khách cho số đầu tiên.

Hồng Hạnh vừa vào vai MC phút trước, phút sau đã đứng sau máy quay bắt góc, đo sáng, chưa kể đang là nhân sự chính thiết kế banner các chương trình. Chí Công vừa chạy máy tính, lo tìm kiếm giải pháp kỹ thuật, vừa nhận vai test âm thanh, chỉnh ánh sáng... Ngân, Thanh đảm đương đủ cả MC, khách mời, kỹ thuật phòng thu... Huy Hào không vai nào thiếu mặt..., trong khi vẫn phải tính toán phương án trình duyệt sao cho thông suốt các khoản đầu tư cho sản phẩm mới.

Những ngày đó, chúng tôi không có ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả tập trung giải bài toán mà Ban biên tập đặt ra, đó là tự chủ sản xuất chương trình.

2.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)  và TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia của CIEM là hai khách mời “mở hàng” của Đối thoại đầu tuần số đầu tiên.

Họ chắc chắn là những người cảm nhận rõ nhất sự bỡ ngỡ của ê-kíp khi thực hiện chương trình sáng thứ Bảy, ngày 30/7 với chủ đề “Những chuyển động của môi trường kinh doanh”.

“Hít đều thở chậm để bình tĩnh, cứ dẫn từ từ thôi”, ông Cung trấn an tôi khi vấp lỗi ngay phần chào đầu Chương trình, sau tiếng hô máy chạy của Cường.

Rất khác với hàng ngàn, thậm chí hơn thế, những cuộc phỏng vấn tôi đã thực hiện trong hơn 20 năm theo nghề báo theo cách “thuận tự nhiên” hơn là chủ đích, lần này, tôi đã chuẩn bị rất kỹ nội dung trao đổi với hai vị khách mời, lên chi tiết từng câu hỏi, cả phần trả lời dự kiến và thời gian thực hiện. Các thông tin liên quan được tôi sắp xếp cẩn thận, in đậm, gạch chân... Nhưng phần lớn các thông tin này bị lãng quên ngay sau đó.

Thi thoảng xem lại những số đầu tiên của Đối thoại đầu tuần và ngay cả bây giờ, tôi thực sự cảm ơn các vị khách mời.

Chính sự dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên môn; sự hấp dẫn, cuốn hút trong phong thái, cách thức dẫn dắt và sự sắc sảo trong nội dung câu chuyện của các vị khách mời đã kéo khán giả tới Đối thoại đầu tuần, che lấp đi phần nào những non nớt, bỡ ngỡ của những MC tay ngang, của những góc máy chưa chuẩn, âm thanh, màu sắc chưa thực sự được nuột nà.

3.

Tuần trước ngày sinh nhật Báo Đầu tư, studio tầng 4 gần như không tắt đèn. Các chương trình lên sóng dày đặc hơn, đa dạng hơn, bên cạnh Đối thoại đầu tuần. Cả ekip tiếp tục guồng quay.

Có điểm khác so với những ngày đầu là hệ thống camera chuyên nghiệp đã được đầu tư mới. Các thiết bị phục vụ cũng xuất hiện nhiều lên cùng với sự lên tay của cả đội ngũ kỹ thuật, hậu kỳ và cả các MC tay ngang.

Khi thực hiện những chương trình đầu tiên, thời gian chuẩn bị 1 chương trình có thể mất gần cả tuần lễ, thì hiện giờ, ê-kíp có thể thực hiện ngay trong ngày, thậm chí, 1 buổi sáng làm 3 chương trình. Việc thử nghiệm cho kế hoạch phát sóng trực tiếp đang triển khai song song...

Đặc biệt, đội ngũ nhân sự chuyên môn tiếp tục được đào tạo, bổ sung cùng với sự tham gia của các phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm của toàn Tòa soạn Báo Đầu tư.

Tất nhiên, khó khăn vẫn rất lớn khi yêu cầu và nhu cầu làm mới mình, tạo ra những sản phẩm mới, hình thức thể hiện mới sẽ không dừng lại, cũng có nghĩa hành trình học và làm sẽ tiếp tục.

Tôi muốn nhắc tới một phần trong ý kiến gửi tới Báo Đầu tư nhân kỷ niệm 31 năm ngày thành lập của TS. Nguyễn Đình Cung.

Ông đã viết: “Chúc mừng Đối thoại đầu tuần đã đi qua những ngày đầu bỡ ngỡ. Nhưng để lên sóng bền hơn, hấp dẫn hơn, đội ngũ thực hiện cần nóng hơn, sắc sảo hơn, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế để có được các cuộc đối thoại nóng hơn, chuyên sâu hơn”.

“Một đội ngũ làm việc nghiêm túc, có sự nhạy cảm với các vấn đề thời sự kinh tế sẽ là điều kiện để có được khách mời chất lượng, từ đó có Đối thoại đầu tuần chất lượng. Tôi tin Báo Đầu tư sẽ làm được và đó chính là sự khác biệt cần có của một sản phẩm báo chí”, ông Cung chia sẻ chân tình.

Chúng tôi cũng tin chúng ta sẽ làm được.

Báo Đầu tư là một trong những tờ báo kinh tế có sự nhất quán, sôi nổi trong hành trình cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Có lẽ hiếm có cơ quan báo chí nào bền bỉ, bám sát thực tiễn trong nội dung này như vậy trong suốt hơn 30 năm qua.

Tôi thích đọc các bài viết với ngôn ngữ chuẩn mực, không câu view, câu like, nhưng nóng bỏng, sống động, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển. Đây chính là sự hấp dẫn, thu hút bạn đọc nghiêm túc của Báo Đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Cũng phải thẳng thắn, chọn con đường đồng hành tin cậy với doanh nghiệp, với nhà đầu tư là con đường khó khăn, không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tâm tư của doanh nghiệp, doanh nhân thì nhiều, nhưng để thực sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm thì cần kiến thức, hiểu biết và cả bản lĩnh.

Nhưng chính lúc này, khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, khi không khí cải cách môi trường kinh doanh lúc trầm, lúc bổng, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc của báo chí trong tìm kiếm nhân tố mới, động lực mới, hiện tượng mới, vừa thúc đẩy, vừa cổ súy cho thay đổi, nhưng cũng phát hiện những ngăn cản hoặc kìm hãm sự phát triển để có đề xuất tháo gỡ gửi tới các cơ quan hoạch định chính sách...

Đặc biệt, tôi vẫn chờ đợi Báo Đầu tư ở vị thế dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy tiên phong cải cách, vì đây là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan nhận trách nhiệm tiên phong đi đầu trong cải cách.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tin liên quan
Tin khác