Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc, phụ trách Chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital chỉ ra ba động lực phát triển thị trường. |
Động lực giai đoạn mới: Nhu cầu độc lập tài chính ngày càng mạnh mẽ
Hơn 34 triệu kết quả được trả về khi tìm kiếm cụm từ “bỏ phố về quê” trên các công cụ. Với tần suất tìm kiếm tăng vọt từ tháng 10/2020, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng, đây là tín hiệu ngày càng nhiều hơn người dần quan tâm tự do tài chính, an toàn tài chính hay về hưu sớm.
Đây là một trong 3 động lực phát triển của thị trường được ông Minh chỉ ra tại buổi Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp tổ chức tổ chức sáng 18/11.
Ba động lực này bao gồm tài chính, công nghệ và nhận thức của nhà đầu tư.
Về tài chính, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng lên 2.700 USD, riêng hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đã đạt 5.000 USD vài năm nay. Khi đạt đến ngưỡng nhất định, nhu cầu đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay bảo hiểm cũng sẽ tăng. Cơ sở người đầu tư tại Việt Nam đang thay đổi nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và xu hướng suy giảm mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm.
Thứ hai, công nghệ đem lại đông lực lớn cho công ty chứng khoán và công ty trong ngành quản lý quỹ. Đã có sự thay đổi đáng kể trong việc huy động vốn, đầu tư và tiếp cận khách hàngMột phần mềm trên di động có thể giúp nhà đầu tư đầu tư chứng khoán dễ dàng, tạo nên động lực kích thích đầu tư.
Cuối cùng, động lực thứ ba chính là thay đổi về nhận thức người đầu tư. Chính Dragon Capital trong nhiều năm qua đã kiến nghị về giải pháp tăng cường kiến thức đầu tư để nhà đầu tư nhận thấy lợi ích của kênh. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu muốn độc lập tài chính trở nên mạnh mẽ. Một ví dụ được ông Minh đưa ra là tần suất tìm kiếm cụm từ “bỏ phố về quê”, cho thấy sự quan tâm đối với việc tự do tài chính, an toàn tài chính, về hưu sớm. Thực tế, thị trường tài chính đã có sự tăng trưởng số lượng người tham gia thần kỳ, một năm bằng 4 năm trước cộng lại.
Nền tảng vĩ mô là yếu tố thuận lợi cho thị trường phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, bối cảnh Covid-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống nhưng với các giải pháp của Chính phủ và các bộ ngành, cân đối vĩ mô vẫn ổn định như thu ngân sách nhà nước, mục tiêu lạm phát hay GDP.
Sau khi Chính phủ chuyển sang trạng thái kinh tế mới, sản xuất kinh doanh có sự phục hồi nhanh, đời sống kinh tế xã hội dần trở lại. Sàn chứng khoán thời gian qua cũng đang ghi nhận sự phấn khích của thị trường.
Nhưng thanh khoản vượt cả chứng khoán Singapore, liệu đã quá nóng?
Quy mô nhà đầu tư đến cuối tháng 10/2021 đạt hơn 3,82 triệu tài khoản, tương đương 3,9% quy mô tổng dân số với số mở mới riêng trong 10 tháng đầu năm 2021 đã là 1,09 triệu tài khoản. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh lượng tài khoản mà không thể hiện thực tế số lượng nhà đầu tư trên thị trường. Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng mới chỉ 1% người dần mở tài khoản hoạt động trên thực tế. Với hơn 1% dân số tham gia mà giá trị giao dịch có những phiên vượt 2 tỷ USD, cho thấy tiềm năng ở trong dân rất lớn
Tuy nhiên, mức thanh khoản hiện nay có bền vững hay không là vấn đề được ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC đặt ra. Thực tế, mức thanh khoản 20.000 tỷ đồng trước đây đã là mơ ước. Giao dịch bùng nổ dù mang đến sự phấn khởi nhưng không phải không có băn khoăn.
Theo ông Long, so với các nước trong khu vực, giá trị giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên vượt Singapore và gần bằng Thái Lan trong khi quy mô GDP của Việt Nam mới bằng 2/3 Thái Lan. Về điểm số, chỉ số VN-Index từ 2020 đến nay tăng 54%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong các chỉ số của Đông Nam Á.
Theo ông Long, có mức độ “nóng” nhất định trong ngắn hạn. Tuy vậy, xét về dài hạn, đại diện từ HSC cho rằng, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và GDP bình quân đầu người ước tính sẽ khoảng 25 triệu người Việt Nam có thu nhập lớn gấp đôi GDP bình quân (khoảng 11.000 USD/người/năm). Đây cũng là cơ sở cho mục tiêu 8% dân số mở tài khoản chứng khoán tới năm 2030.
Một rủi ro cũng được nhiều diễn giả tại buổi Tọa đàm cùng đề cập cũng đến từ sự gia tăng nhanh chóng của cơ sở nhà đầu tư khi chúng ta có một thế hệ nhà đầu tư có kiến thức đầu tư chưa thực sự tốt. Xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hàng hóa cổ phiếu có chất lượng xấu nhưng giá lại được đẩy lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đồng tiền nhà đầu tư mà còn tới sự phát triển chung của thị trường.
Đưa ra lời khuyên tới các nhà đầu tư, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, có cảm giác men say, có cảm thấy thị trường biến động hay dao động thông tin thì cơ bản nhất là hiểu nền tảng doanh nghiệp. Từ đó mới có thể định giá, đưa ra cái gốc ban đầu, sau đó mới cộng hay trừ phần trăm theo mức độ quan tâm thị trường. Đối với đầu tư, do vậy bắt buộc phải có kiến thức.
Quan điểm đầu tư của SHS nhìn nhận cổ phiếu tập trung vào vấn đề người lãnh đạo doanh nghiệp, tài chính sức khoẻ, ngành nghề kinh doanh, lợi thế của thị trường. Điều này được cố gắng chuyển tải tới khách hàng bằng các đánh giá, phân tích, hội thảo. Điều này cũng đang được áp dụng tại nhiều công ty chứng khoán. Tại VNDirect, công ty chứng khoán này cũng liên tục có chương trình đào tạo cho khách hàng hàng tuần hướng đến việc nâng cao hiểu biết kỹ năng của nhà đầu tư trong quản lý tài chính cá nhân, thay vì suy nghĩ đầu cơ để đổi đời trong thời gian ngắn.