VIC tăng kịch trần vẫn không đủ để phủ xanh VN-Index. |
Nỗi lo biến chủng Omicron kéo VN-Index rơi 25 điểm đầu phiên sáng
Tâm lý lo ngại vì biến chủng mới Covid-19 (Omicron) và hiệu ứng domino từ thị trường chứng khoán toàn cầu cuối tuần trước đã khiến nhiều nhà đầu tư đua bán tháo ngay phiên mở cửa. Tuy nhiên, trên cả ba sàn, chỉ số đã phục hồi đáng kể sau đó.
VN-Index từng có thời điểm từng có thời điểm rơi sâu nhất 25 điểm vào giữa phiên sáng. Tuy vậy, khi kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn giảm 8,19 điểm (-0,55%) xuống 1.484,84 điểm. HNX-Index thậm chí còn tăng 1,95 điểm (0,43%) lên 460,58 điểm. UPCoM-Index cũng chỉ giảm 0,24% xuống 114,06 điểm.
VN-Index rơi sâu 25 điểm giữa phiên sáng nhưng đã hồi phục đáng kể - Ảnh: Pinetree |
VIC tiếp tục là trụ cột chính nâng đỡ chỉ số, dù không thể kéo VN-Index đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ riêng cổ phiếu của Vingroup đã góp 4,4 điểm tăng sau nhờ mức tăng kịch biên độ 6,9%. Giao dịch phiên hôm nay không chỉ giúp cổ phiếu xác lập mức kỷ lục mới về giá (105.300 đồng/cổ phiếu) mà còn đưa Vingroup lấy ngôi vương vốn hóa thị trường.
Không riêng VIC, nhóm bất động sản phiên này cũng tăng giá tích cưc. Top 15 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index còn có VHM (+1,8%), DXG (+6,99%), ITA (+6,61%) hay SCR và CII đều tăng kịch biên độ. Trên sàn HNX, THD, CEO và API là bộ ba cổ phiếu dẫn dắt chỉ số tăng. Trong khi HNX-Index kịp đóng cửa trong sắc xanh, VN-Index vẫn giảm khá bất chấp nỗ lực dòng cổ phiếu bất động sản.
Dòng cổ phiếu ngân hàng - nhóm chiếm tới 30% tổng vốn hóa thị trường lại giao dịch tiêu cực phiên nay. Trừ HDB tăng giá, các cổ phiếu ngân hàng khác đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giảm mạnh nhất cũng là cổ phiếu nhà băng có vốn hóa lớn nhất - Vietcombank. Đầu tàu tăng trưởng tuần trước lại trở thành “tội đồ” kéo VN-Index giảm phiên này khi cổ phiếu giảm hơn 3,7% so với cuối tuần trước.
Cổ phiếu dầu khí, doanh nghiệp kinh doanh cao su tự nhiên, phân bón… cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Nhóm chứng khoán giao dịch tiêu cực trong phiên sáng nhưng đã sớm hồi phục và phần lớn trở lại đóng cửa trong sắc xanh.
Giá trị giao dịch dù giảm so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức cao khi có 1,28 tỷ cổ phiếu được sang tay với giá trị đạt 38.831 tỷ đồng, tương đương quy mô thanh khoản hơn 1,71 tỷ USD. Có tới 4 cổ phiếu đạt mức giao dịch trên nghìn tỷ đồng, đứng đầu là SSI với giá trị vượt 1.600 tỷ đồng, tiếp đến là TCB (1.486 tỷ đồng), STB (1.164 tỷ đồng) và HPG (1.056 tỷ đồng).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên này nhưng giá trị bán ròng đã thu hẹp nhờ nhiều bên đã mạnh tay giải ngân thêm, đặc biệt ở nhóm ngân hàng (CTG, STB) và bất động sản (VRE, VIC, VHM). Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn bị bán ra lượng lớn để chốt lời như CEO, HCM, VPB…
Gần 80 cổ phiếu tăng kịch biên độ, DXG trần khi dừng phương án phát hành riêng lẻ
Số cổ phiếu giảm giá áp đảo trong phiên hôm nay. Toàn sàn có 513 mã giảm, 16 mã giảm sàn và cũng chỉ có 369 mã tăng. Tuy nhiên, đáng chú ý là số mã chứng khoán tăng kịch biên độ cũng có tới 78 mã, bao gồm 40 mã từ sàn HoSE.
Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần, bao gồm nhóm vốn hóa lớn, như Vingroup (VIC), Long Giang Land (LGL), tập đoàn Đất Xanh (DXG), Khải Hoàn Land (KHG) hay nhóm bất động sản khu công nghiệp như ITA. Thậm chí, cổ phiếu của Thuduc House (TDH) cũng tăng kịch biên độ sau khi loạt lãnh đạo doanh nghiệp này vướng vòng lao lý và nhận lệnh khởi tố cuối tuần trước.
Cũng trong phiên hôm nay, thông tin dừng phương án phát hành riêng lẻ với mức giá chào bán chiết khấu 10-15% so với giá trung bình của 20 phiên giao dịch gần nhất được đưa ra hôm nay, dường như có tác động tích cực lên cổ phiếu doanh nghiệp này. Giá cổ phiếu DXG đóng cửa tăng lên 30.600 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HAX cũng ghi nhận phiên thứ hai liên tiếp tăng trần sau thông tin gia hạn giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 1/12/2021 đến 31/5/2022.