3 năm trước, bà M. được thông báo suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo để tiếp tục cuộc sống.
Để có thời gian buổi sáng đưa mẹ đến bệnh viện chạy thận 3 lần/tuần, anh L., 40 tuổi, con trai duy nhất của bà, xin đổi lịch làm việc ban ngày sang buổi tối.
Việc phải chạy thận nhân tạo kéo dài khiến người bệnh phải đối diện áp lực tâm lý nặng nề. |
Những ngày bà chạy thận, anh kết thúc ca làm việc lúc 6 giờ sáng, nhanh chóng trở về nhà chở mẹ đến bệnh viện chạy thận lúc 7 giờ. Sau đó, anh ngồi bên ngoài phòng chạy thận, tranh thủ chợp mắt, đến 11 giờ đón mẹ về.
Sau thời gian chạy thận, bà M. trở nên ít nói, ít cười, sắc mặt trầm buồn, ủ rũ, mệt mỏi, chán nản, ăn uống kém, cân nặng dần sụt giảm.
“Chạy thận về là mẹ tôi lủi thủi trong phòng, không bước chân ra ngoài, ăn uống ít, càng lúc càng gầy đi. Nhiều lần mẹ nói vu vơ muốn ngừng chạy thận, để giải thoát cho con”, anh L. kể.
Một trường hợp khác, ông K., 50 tuổi, đã chạy thận 6 tháng vào các buổi chiều thứ 2-4-6 hàng tuần. Ông cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình, đặc biệt khi vợ ông cũng thường xuyên nghỉ làm để dành nhiều thời gian chăm sóc cho ông.
Các cuộc trò chuyện với bạn bè ngày càng trở nên hiếm hoi, và ông cảm thấy cô đơn, bị cách ly khỏi cuộc sống trước đây. Ông rơi vào trầm cảm, mất hứng thú với những thứ mà trước đây ông rất yêu thích, kể cả việc đọc sách và làm vườn. Ông thường xuyên suy nghĩ về cái chết và cảm thấy rằng cuộc sống của mình không còn ý nghĩa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa trầm cảm là một rối loạn tâm thần liên quan đến tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú với các hoạt động trong thời gian dài. Ước tính có khoảng 280 triệu người bệnh trầm cảm trên toàn thế giới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trong đó nhóm nguyên nhân liên quan đến các bệnh mạn tính đang có chiều hướng gia tăng.
Bệnh thận mạn là một trong số đó. Ước tính, 20%-25% người bệnh thận mạn mắc trầm cảm. Đây là một trong các bệnh mạn tính thường gặp tại Việt Nam với khoảng 10 triệu người mắc, chiếm khoảng 10% dân số.
Suy thận mạn giai đoạn 5 là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Chức năng lọc máu của thận giảm nghiêm trọng không phục hồi. Độ lọc cầu thận (eGFR) giảm xuống dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da. Phần lớn người bệnh cần lọc máu (chạy thận nhân tạo) để duy trì sự sống trong quãng phần đời còn lại hay ổn định sức khỏe đến khi được ghép thận.
Bác sỹ CKI Mạch Thị Chúc Linh, Đơn vị Thận nhân tạo, Khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tại cơ sở có khoảng 50% người bệnh chạy thận có biểu hiện rối loạn lo âu và 10%-20% có biểu hiện trầm cảm. Phần lớn người bệnh có độ tuổi trên 60 tuổi.
Khi biết mắc suy thận giai đoạn cuối, hầu hết người bệnh có cảm giác hụt hẫng. Nhiều người bệnh có suy nghĩ điều trị cả đời không khỏi, tốn kém chi phí, ăn uống kiêng khem, phiền người nhà chăm sóc nên chán nản, bỏ điều trị, thậm chí nghĩ đến cái chết.
Đặc điểm chung của người chạy thận mắc bệnh trầm cảm là có khí sắc trầm buồn, ít nói hoặc sợ giao tiếp với người xung quanh, có xu hướng tự cô lập bản thân, tự ti, mặc cảm bệnh, nghiêm trọng nhất là có ý định tự tử.
Điều này càng dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi thường phụ thuộc con cái đưa đón đi chạy thận nhưng con cái họ cũng có công việc, cuộc sống, áp lực riêng nên ít có điều kiện lắng nghe, chia sẻ, tâm sự với cha mẹ.
“Người bệnh lớn tuổi dễ tủi thân, cảm thấy là gánh nặng của con cái. Giữ suy nghĩ này trong thời gian dài khiến họ mắc rối loạn lo âu, nghiêm trọng hơn là trầm cảm”, bác sỹ Chúc Linh nói.
Trầm cảm và suy thận mạn có mối liên hệ 2 chiều. Người bệnh suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo lâu dài phát sinh mặc cảm, suy nghĩ tiêu cực, hệ quả dẫn đến trầm cảm.
Mặt khác, trầm cảm gây ra tác động tiêu cực đến tâm trạng, động lực sống, tinh thần chiến đầu chống lại bệnh tật, khiến người bệnh có xu hướng bỏ điều trị hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, làm bệnh suy thận mạn diễn tiến xấu hơn.
Bác sỹ Chúc Linh khuyên người thân của người bệnh suy thận mạn ngoài quan tâm đến sức khỏe thể chất, cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của người bệnh.
Cần đưa người bệnh đến bệnh viện khám sớm khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn lo lâu như: hoảng loạn, sợ hãi, khó ngủ, mất ngủ triền miên, dễ nổi nóng, chán ăn… để có biện pháp hỗ trợ tâm lý phù hợp.
Tránh để lâu, rối loạn lo lâu diễn tiến sang trầm cảm, việc điều trị, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường khó khăn hơn.
Ngoài ra, người thân cần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, tâm sự, động viên tinh thần, theo dõi điều trị tại nhà… để giúp người bệnh bớt cảm giác tủi thân, tránh cô lập bản thân và nuôi dưỡng tinh thần sống lạc quan, tăng hiệu quả điều trị trầm cảm.