Đầu tư và cuộc sống
Còn ít tác phẩm báo chí điều tra chất lượng
Hoài Sương - 16/03/2024 20:59
Ở nhiều tòa soạn báo chí hiện nay, việc triển khai các phóng sự điều tra còn nhiều lúng túng, dẫn đến thiếu hụt tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm điều tra chất lượng, thiếu những cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ thể loại này.

Luôn đối mặt với nhiều khó khăn

Đó là chia sẻ của Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong tại phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024, với chủ đề “Phóng sự, điều tra - hành trình làm điều có ích” ngày 16/3.

Theo Nhà báo Phùng Công Sưởng, phóng viên điều tra dễ bị “phản công” nhất so với các phóng viên trong nghề. Bởi đối tượng bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng. Vậy nên họ sẵn sàng “sống chết” với nhà báo. Trong nhiều trường hợp, các nhà báo điều tra bị cô đơn (đồng nghiệp, cơ quan không hiểu), thị phi bằng lời đồn đoán, dư luận không tốt sau mỗi tác phẩm, thậm chí còn bị tố cáo, vu khống…

Hội thảo với chủ đề “Phóng sự, điều tra – hành trình làm điều có ích”.

Đồng tình với ý kiến này, Nhà báo Hồ Trí, Phóng viên Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, làm phóng sự điều tra ngoài những khó khăn trong quá trình triển khai đề tài thì sau đó còn gắn với nỗi sợ hãi. Sợ khi được chia sẻ trên mạng xã hội có thể sẽ có những phản ánh trái chiều với nhiều ý kiến mà cho rằng phóng viên đang dàn dựng câu chuyện, hình ảnh…

“Sau vài tháng phóng sự điều tra về phá rừng được phát sóng thì nhiều trang mạng xã hội, nhiều dư luận công kích cho rằng VTV dàn dựng cảnh phá rừng. Điều đó khiến người đang bảo vệ công lý như tôi, đồng nghiệp cảm thấy ngột ngạt, buồn vì những đơm đặt. Nhưng rồi, sự thật luôn là sự thật, những phóng sự đó đã rất có ích trong việc bảo vệ rừng cũng như tố cáo các quan tham trong lĩnh vực này”, Nhà báo Hồ Trí bộc bạch.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ở thể loại phóng sự điều tra, câu hỏi đặt ra là ai bảo vệ phóng viên làm điều tra.

“Tôi nghĩ trước tiên cần bảo vệ nhà báo bằng pháp luật, bảo vệ những người dấn thân đi vào những đề tài khó. Tuy nhiên cần có những quy định rõ ràng hơn, ngoài ra cần có sự vào cuộc của những cơ quan, đơn vị, những người thực thi pháp luật để bảo vệ người làm báo. Tuy nhiên không ai bảo vệ mình tốt hơn là việc nhà báo tự bảo vệ mình, phải trang bị cho mình đầy đủ kĩ năng, hiểu biết về pháp luật, hiểu về các vấn đề xã hội… ”, Nhà báo Hồ Quang Lợi nhận định.

Các nhà báo chia sẻ tại hội thảo.

Nỗ lực với hành trình làm điều có ích

Theo Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phiên thảo luận rất có ích với mỗi người làm báo. Điều cả xã hội quan tâm là nhà báo mang lại gì cho xã hội, cho người dân. Có lẽ để làm điều có ích tốt hơn nữa, nhà báo điều tra là cần có ba phẩm chất: Bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp. Ngoài ra, họ phải khẳng định mình làm việc có ích cho xã hội, cho nhân dân. Do vậy, điều kiện là cần dấn thân và đi tới cùng vụ việc.

Điều tra báo chí khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Nhà báo không phải là công chức thi hành công vụ, được hỗ trợ công cụ bảo vệ và hành lang pháp lý đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật.

Phóng viên có thể trở thành tội phạm nếu không báo cáo, ví dụ như việc nhập vai đường dây mua bán hàng hóa trái pháp luật, tham gia sự kiện có vấn đề… điều này có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Vì vậy, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, Tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để tránh những rủi ro sau này.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó tổng biên tập thường trực Báo Đại đoàn kết cho rằng, điều tra là một thể loại nguy hiểm, dễ bị kiện tụng, thậm chí dính vào vòng lao lý, điều này cho thấy thể loại này nguy hiểm và rủi ro như thế nào. "Sai xuống vực, thắng lên vinh quang", nhưng điều quan trọng là cuối cùng là chúng ta tạo ra những điều có ích cho xã hội.

Tin liên quan
Tin khác