Đầu tư và cuộc sống
Công bố điểm mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024
D.Ngân - 09/03/2024 07:02
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.

Bộ quy định rõ các môn thi trong quy chế thi để thí sinh thuận lợi hơn trong công tác đăng ký. Để bảo đảm chế độ ưu tiên cho thí sinh tránh bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký thi, các đơn vị đăng ký dự thị có trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh; yêu cầu thí sinh có trách nhiệm bảo mật thông tin về tài khoản và mật khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định rõ trách nhiệm của thí sinh trong Kỳ thi. Ngoài quy định các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi để phục vụ cho việc làm bài thi, thì điểm mới là bổ sung quy định cụ thể các vật dụng thí sinh bị cấm đem vào phòng thi. Các quy định đối với thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp (thí sinh tự do).

Về mặt nghiệp vụ chuyên môn công tác ra đề thi, bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách trong Kỳ thi.

Trong đó, làm rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với đề thi để thí sinh và các bên tham gia quá trình tổ chức thi nắm rõ và không vi phạm theo quy định bí mật nhà nước.

Quy định cụ thể trong quy chế các vòng của khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách và nhiệm vụ của các vòng để bảo đảm phù hợp với quá trình triển khai của các cá nhân và đơn vị tham gia tổ chức thi.

Bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm để tạo sự công bằng cho thí sinh dự thi và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận đến nay.

Ngoài ra, còn có một số thay đổi chủ yếu về mặt kỹ thuật khác của các hội đồng ra đề, coi thi, chấm thi hoặc đưa các nội dung từ hướng dẫn tổ chức thi mọi năm vào trong quy chế để tính thống nhất thực hiện cao hơn trong quá trình tổ chức thi.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Năm 2023, tỷ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; năm 2022 tỷ lệ này là 61,34%.

Tuy các tỷ lệ trên thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trước đó, về kỳ thi trung học phổ thông 2024, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về việc có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp trung học phổ thông không, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, theo thiết kế chương trình, cấp trung học cơ sở là giáo dục cơ bản nền, tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Lên đến cấp THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh.

Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông, nếu có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành Giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang THPT.

Kết thúc THPT, dù là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, nhưng vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông. Kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới.

Tin liên quan
Tin khác