Y tế - Sức khỏe
Công tác xã hội bệnh viện: Đồng hành cùng người bệnh, vượt thách thức, lan tỏa yêu thương
D.Ngân - 22/11/2024 13:56
Ngày 22/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định nhiệm vụ và hình thức tổ chức công tác xã hội trong bệnh viện, đồng thời lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi tại khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị đại diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thông tin về những thành tựu mà công tác xã hội tại Bệnh viện đã thực hiện được thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại sự kiện.

Theo đó, Viện ghi nhận trên 60% bệnh nhân điều trị thuộc nhóm mắc bệnh máu hiểm nghèo (như ung thư máu), hơn 20% thuộc nhóm bệnh máu di truyền, với nhiều gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh.

Đa số bệnh nhân tại đây sống trong hoàn cảnh khó khăn: 70% thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc hải đảo; gần 30% là hộ nghèo, thu nhập dưới 1.500.000 đồng/tháng. Ngoài khó khăn về kinh tế, họ còn chịu áp lực tinh thần khi đối mặt với bệnh tật và các đợt điều trị kéo dài, nhiều chu kỳ hoặc suốt đời.

Bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh, Viện còn phụ trách việc vận động, tiếp nhận, điều chế, cung cấp máu và sản phẩm máu cho hơn 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được triển khai thường xuyên, giúp thúc đẩy sự phát triển hệ thống huyết học - truyền máu toàn quốc. Viện cũng tích cực hợp tác quốc tế, tiếp cận tiến bộ y học thế giới và nhận được sự hỗ trợ lớn từ bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh rằng nâng cao chất lượng cơ sở khám chữa bệnh luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân. Từ khi Thông tư 43 ra đời, công tác xã hội trong các bệnh viện đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ người bệnh và gia đình vượt qua khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Trong 9 năm qua, các bệnh viện trung ương và đa số bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng hoặc Tổ Công tác xã hội, dần chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự. Nhiều mô hình mới và cách làm hiệu quả đã hỗ trợ hàng trăm nghìn bệnh nhân khó khăn.

Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư vẫn tồn tại một số hạn chế như: mô hình tổ chức chưa đồng bộ; nhiều đơn vị thiếu bộ phận chuyên trách do thiếu nhân lực, nguồn lực; cán bộ công tác xã hội còn ít, chủ yếu kiêm nhiệm và thiếu đào tạo chuyên môn bài bản. Các hoạt động xã hội hóa dù được đẩy mạnh nhưng nguồn kinh phí chưa ổn định.

Ngoài ra, một bộ phận người bệnh, người nhà hoặc nhân viên y tế chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác xã hội, dẫn đến việc chưa tạo điều kiện tối đa cho hoạt động này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và triển khai công tác xã hội cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp bối cảnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống.

Trước những tồn tại nêu trên, theo TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn công tác xã hội tại các bệnh viện.

Theo đó, công tác xã hội của bệnh viện gồm có các nội dung sau: Tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh và hỗ trợ giải đáp ý kiến thắc mắc của người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh;

Cung cấp các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp cho người bệnh (đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người cao tuổi) là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại, thảm họa hoặc nghi ngờ là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khác:

Đánh giá nhu cầu của người bệnh; sàng lọc và phân loại người bệnh theo nhu cầu công tác xã hội. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi người bệnh tới các cơ quan chức năng có liên quan;

Phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của người bệnh về chăm sóc y tế, nước uống, thực phẩm, quần áo, đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ về tâm lý xã hội trong khả năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tổ chức hỏi thăm người bệnh để đánh giá nhu cầu; sàng lọc, phân loại người bệnh; đề xuất lập hồ sơ công tác xã hội (trong trường hợp cần thiết và phù hợp);

Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội và các chế độ chính sách khác có liên quan đến người bệnh;

Kết nối người bệnh được tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực tại địa phương và từ các cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ chức để hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý xã hội và nâng cao năng lực cho người bệnh (nếu có);

Phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện, phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan khác để thực hiện công tác truyền thông của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh;

Xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo, các kênh thông tin nội bộ và trên nền tảng số hóa;

Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám chữa bệnh và dịch vụ công tác xã hội cho người bệnh.

Thực hiện vận động, tiếp nhận và điều phối các nguồn tài trợ về kinh phí, vật chất theo các quy định hiện hành để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh không có khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Tin liên quan
Tin khác