Cuộc chiến giá dầu có thể còn căng thẳng hơn nữa trong những tháng tới đây |
Thực tế, câu chuyện giá dầu không chỉ là mối quan ngại của riêng kinh tế Việt Nam, mà còn là của kinh tế toàn cầu. Tác động là rất rõ ràng, bởi ngay sau khi giá dầu tiếp tục lao dốc, ở mức chỉ quanh con số 29 USD/thùng vào cuối tuần qua và chưa biết điểm dừng là ở đâu, thì chỉ số Dow Jones cũng mất gần 400 điểm, Nasdaq còn giảm mạnh hơn. Thị trường chứng khoán châu Âu và Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự. Thị trường châu Âu được cho là đã bước vào thị trường giá xuống (bear market), khi chỉ số này mất 20% từ đỉnh tháng 4 năm ngoái. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index của Trung Quốc đã mất 2,6%, xuống đáy trong 4 năm qua…
Những diễn biến đó cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, khi phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã không giữ được ngưỡng 550 điểm, đồng thời kích thích một làn sóng bán tháo. VN-Index ngày thứ Sáu (15/1) đóng cửa ở mức 543,04 điểm, giảm 1,81%.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo thời gian qua là mối quan ngại lớn của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nay thêm cú sốc giá dầu lao dốc, thì kinh tế toàn cầu, vốn đang hồi phục chậm chạp và vẫn còn rất nhiều yếu tố bất ổn, sẽ càng phải đối mặt với những thách thức “khổng lồ”. Thị trường chứng khoán chính là “hàn thử biểu” nhạy nhất đo tác động của câu chuyện kinh tế Trung Quốc và giá dầu giảm sốc đối với kinh tế toàn cầu.
Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng đương nhiên tác động trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Trực tiếp nhất, rõ ràng nhất là chuyện thu ngân sách bị ảnh hưởng, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu mỏ. Năm 2015, việc giá dầu giảm đã làm cho ngân sách hụt thu tới 64.000 tỷ đồng, năm 2016 có thể cũng sẽ tương tự bởi chúng ta dự toán ở mức giá dầu 60 USD/thùng, song hiện giờ giá còn chưa bằng phân nửa.
Chưa kể, giá dầu giảm mạnh sẽ tác động mạnh tới hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng như tiến độ đầu tư hàng loạt dự án lọc dầu khác tại Việt Nam.
Tính toán của PVN, mức giá dầu 65 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất của PVN sẽ đạt 275.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 22.800 tỷ đồng. Còn với phương án giá dầu 30 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất sẽ là 141.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 10.400 tỷ đồng, tức là giảm một nửa so với phương án giá dầu 65 USD/thùng.
Trong khi đó, ở các dự án đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đang phải xem xét lại kế hoạch đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội, vốn đầu tư 22 tỷ USD. Gazprom Neft (GPN) cũng đã ngừng kế hoạch mua 49% cổ phần trong Dự án Lọc dầu Dung Quất như dự kiến. Dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) cũng chưa có kế hoạch khởi công cụ thể…
Năm 2015, Chính phủ đã làm đúng những gì đã nói từ đầu năm, đó là vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trước sức ép giá dầu giảm. Nhưng câu chuyện liệu có lặp lại vào năm 2016, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn đang lao dốc, hiện ở dưới 30 USD/thùng và có thể sẽ giảm xuống còn 20 - 25 USD/thùng.
Vấn đề nằm ở chỗ, giá dầu không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào cung - cầu trên thị trường, mà còn phụ thuộc vào “cuộc chơi chính trị” của các ông lớn trên toàn cầu. Do vậy, càng hết sức phải thận trọng, bởi cuộc chiến giá dầu có thể còn căng thẳng hơn nữa trong những tháng tới đây.
Nếu giá dầu xuống quá thấp, hệ lụy là khôn lường. Chưa chắc những lợi ích có được do giá dầu giảm mạnh đủ bù đắp những thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu.
Dù Bộ Tài chính khẳng định đã có phương án ứng phó khi giá dầu ở mức 30 USD/thùng, thậm chí là dưới 30 USD/thùng, song vẫn cần phải có những tính toán đầy đủ về tác động của giá dầu để có biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý và hiệu quả.