Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đọc bài tham luận tại phiên toàn thể. |
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, đại dương thế giới chiếm 3/4 diện tích bề mặt trái đất có vai trò quyết định trong việc điều hòa khí hậu và đảm bảo các điều kiện môi trường sống cho hành tinh chúng ta. Tuy nhiên hiện nay đại dương đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng do chất thải từ trên bờ và từ các hoạt động trên biển, do khai thác, sử dụng tài nguyên không theo những quy hoạch hợp lý và nó đang bị trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
“Trong bối cảnh này, cần phải có một cách tiếp cận mới về phát triển và quản lý môi trường biển và vùng bờ biển ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia; thúc đẩy quản trị đại dương; xây dựng các chính sách quốc gia về quản lý tổng hợp đại dương; cơ chế điều phối các hoạt động của các ngành và phối hợp hoạt động của các địa phương, thậm chí nhiều nước. Ngoài ra, cần những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển có tầm nhìn dài hạn và được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng khai thác, sử dụng của khu vực biển và vùng bờ biển để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, có rất nhiều công ước quốc tế có thể dùng làm cơ sở để xây dựng các chính sách, pháp luật quản trị đại dương và vùng bờ để đảm bảo phát triển bền vững như Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Công ước đa dạng sinh học (CBD), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Công ước Marpol 73/78…
Các diễn giả tại phiên toàn thể Hội nghị, hội thảo quốc tế tại Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 |
“Vấn đề phối hợp quản trị đại dương là hiệu quả nhất nếu được triển khai trên quy mô khu vực; cách tiếp cận tổng hợp và cần phải có cơ chế thích hợp để gắn kết trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác; cũng như thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của công chúng là điều kiện tiên quyết cho thành công của quản trị đại dương”, Thứ trưởng Hiển nói thêm
Cũng tại phiên toàn thể Hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao vai trò của Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) trong vai trò quản lý quản trị vùng biển, đại dương trong những năm qua.
Theo thứ trưởng Hiển, chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á trong hơn một thập kỷ qua với sự nỗ lực điều phối, phối hợp các hoạt động quản trị đại dương của PEMSEA đã giúp các nước Đông Á xây dựng và triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp đại dương và vùng bờ biển, đóng góp rất lớn trong việc từng bước đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á đã giúp các nước trong khu vực tăng cường áp dụng phương thức quản lý tổng hợp đại dương và vùng bờ biển trên quy mô ngày càng rộng lớn.
“Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á, các công cụ do PEMSEA xây dựng đã được nghiên cứu, cụ thể hóa tại các quốc gia Đông Á thành các chính sách, pháp luật quốc gia. Chiến lược đã đóng một cách xuất sắc vai trò cầu nối giữa các văn kiện về môi trường và phát triển bền vững quốc tế với các văn kiện quốc gia”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Diễn giả GS. Christian Severin chia sẻ: Khi chúng ta nói về PEMSEA và quan hệ đối tác giữa các nước thành viên là chúng ta đang nói đến khu vực có dồi dào nguồn tài nguyên biển, thế nhưng chúng ta không thể làm tăng nguồn tài nguyên đó nếu không có một cách quản lý quản trị vùng biển một cách hợp lý. Để làm được như vậy thì các quốc gia cần phải đảm bảo 3 nguyên tắc hợp tác, phối hợp, minh bạch và đặc biệt phải trân trọng kinh nghiệm quản lý vùng biển của từng nước thành viên và phải kiên định nguyên tắc hợp tác đó.
Đồng ý kiến trên, diễn giả, TS. Gunnar Kullenberg cho biết: Chúng ta cần duy trì cơ chế hệ thống quản trị quản lý vùng biển và đưa ra những biện pháp thay đổi ở các ngành công nghiệp thải ra CO2, cũng như các ngành hoá chất xả thải ra biển. Chúng ta phải có những bước tiến để tránh những tác động lớn đến hệ sinh thái của đại dương. Đây không chỉ là vấn đề về biến đổi khí hậu mà còn liên quan đến chính quá trình hoạt động khai thác đại dương của chính con người. Chúng ta thấy rằng, nhiều loài sinh vật đã cạn kiệt khi chúng ta xả thải gây ô nhiễm ra đại dương một cách trầm trọng. Và khi các loài sinh vật, vốn dĩ là nguồn thực phẩm cho chính con người bị nhiễm độc, nó ảnh hưởng trực tiếp trở lại sức khoẻ của chính chúng ta. Ảnh hưởng của nó có thể gây tổn thất cả tỷ đô la và ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp các nước Đông Á nếu như chúng ta vẫn không thay đổi.
"Việc thay đổi hệ thống quản lý bảo vệ vùng biển, đại dương rất quan trọng. Biển là vùng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậy. Chúng ta cần phải sử dụng công nghệ để thay đổi hoạt động của biển trong tương lai, phải tìm cách giải quyết các vấn đề mà hệ sinh thái biển đang đương đầu hiện nay và chúng ta cần phải có sự hiểu biết tốt về môi trường”, Tiến sĩ Gunnar nhấn mạnh.
Bà Yoon Jin Sook, diễn giả - nguyên bộ trưởng Bộ Hải dương Thuỷ sản Hàn Quốc thì đưa ra đề xuất: “Mặc dù hiện nay đã có những tiến bộ nhưng chúng ta vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết, đó là cần phải lòng ghép tốt hơn các cách quản trị quản lý bảo vệ vùng biển, đại dương vào với thể chế pháp luật. Cần phải có những đánh giá về các hoạt động kinh doanh tác động đến môi trường biển và phải kết nối các nhà khoa học để có thể đưa ra các nghiên cứu, thông tin tốt hơn cho biển.”