Ngay từ phiên đàm phán đầu tiên, các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra mức đề xuất quá chênh lệch, dao động từ 0-8%. |
Chênh lệch quá rộng
Trước giờ diễn ra phiên đàm phán đầu tiên, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn khẳng định chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm nay.
“Chúng tôi đã có các buổi làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi sẽ phát biểu trên cơ sở đại đa số doanh nghiệp là chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Chúng tôi sẽ trao đổi với các thành viên khác trong hội đồng trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng”, ông Phòng nói.
Ông Phòng cũng cho biết, theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đề nghị không tăng để doanh nghiệp có chi phí đào tạo năng lực tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc trong đó bao hàm cả việc tăng năng suất lao động.
Trong khi đó, tại phiên đàm phán, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8,0% (tăng từ 220 – 330 nghìn đồng). Mức đề xuất này cũng được Tổng Liên đoàn Lao động lý giải sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu.
Con số này cũng được đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải dựa trên tình hình phát triển kinh tế - xã hội (GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%...) và kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn về tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động năm 2018.
Cụ thể, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đa số người lao động cho biết đời sống còn gặp nhiều khó khăn với thu nhập cơ bản hiện tại.
Những kết quả chính trong báo cáo của Tổng Liên đoàn là người lao động bức xúc nhất về lương thấp, không có các khoản phụ cấp (25,7%), trong đó tỷ lệ bức xúc cao nhất là ở vùng III (31%); tiếp đó là trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra (7%). Người lao động còn bức xúc ở các nội dung khác, như: Làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không công khai, minh bạch; không điều chỉnh lương định kỳ.
“Từ 1/7, Chính phủ đã điều chỉnh tăng gần 7% mức lương cơ sở, lương hưu của công chức, viên chức. Ngân sách Nhà nước đang khó khăn nhưng vẫn chấp nhận điều chỉnh tăng. Do đó, doanh nghiệp cũng phải tính toán việc điều chỉnh tăng ít nhất cũng phải bằng mức đó”, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Liên quan tới đề xuất không tăng của VCCI, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, đây là điều không thực tế vì chỉ riêng chỉ số CPI tới nay đã tăng 4%.
“Nếu chúng ta không tăng năm 2019, sang năm 2020, mức đề xuất sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Thọ nói.
Trong khi đó, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Mới đây, Hội nghị T.Ư 7 đã thông qua 2 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về cải cách tiền lương. Theo đó, Nhà nước sẽ từng bước không can thiệp vào cơ chế tiền lương của doanh nghiệp. Thay vào đó thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động”.
Tuy nhiên, ông Diệp cũng khẳng định, việc thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Nhận định từ các chuyên gia
Ông Phạm Minh Huân, Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định, thực tế nhiều doanh nghiệp không muốn tăng lương tối thiểu vùng nhưng để đảm bảo nhu cầu thực tế, chính đáng cho người lao động, việc tăng lương sẽ là một trong những nhân tố làm tăng thu nhập của người lao động, tạo ra việc làm có chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Huân, mặc dù tăng lương để bảo vệ lao động yếu thế nhưng cũng cần xem xét sức chi trả của doanh nghiệp.
Theo đó, ông Huân cũng nhận định, mức đề xuất tăng lương sẽ vào khoảng 5-6% so với mức lương tối thiểu năm 2018.
Ông Huân cũng phân tích, căn cứ vào Luật Lao động, tăng lương tối thiểu sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố như: Nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của doanh nghiệp, chỉ số giá, mặt bằng tiền công trên thị trường… Các bên sẽ căn cứ vào những yếu tố này để đề xuất mức tăng lương tối thiểu.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 6/7, trả lời báo giới, ông Bùi Sỹ Lợi,Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã ra đưa ra nhận định về biên độ mức tăng từ 6-7%.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng không ngần ngại tỏ ra băn khoăn về nhu cầu sống tối thiểu, một khái niệm theo ông Lợi là rất rộng, luôn thay đổi và có nhiều yếu tố nội hàm.
“Muốn có sự đồng thuận giữa các bên về xác định nhu cầu sống tối thiểu, tôi cho rằng cần có một cơ quan độc lập tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Từ đó, kết quả công bố sẽ được dùng làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định thì phù hợp hơn”, ông Lợi nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thì về nguyên lý, tốc độ tăng lương tối thiểu nên thấp hơn và chỉ bằng 70% mức tăng năng suất lao động.
“Do đó, nếu GDP năm 2019 tăng 6,5-7%, thì mức tăng lương tối thiểu chỉ nên dừng lại ở mức 5-6%”, bà Hương nhấn mạnh.