Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương |
Đại biểu đề xuất nới thời hạn sang năm 2023
“Thời điểm cụ thể do cơ quan tham mưu xem xét và cân nhắc”, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cần cơ bản hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt trong năm 2022, nhưng chưa có hạn định đối với quy hoạch tỉnh.
“Dù muốn hay không thì tất cả các quy hoạch đều đã trễ so với yêu cầu, do đó để tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện để các địa phương không rơi vào thế chạy đua với thời gian để trình quy hoạch vào cuối năm nay, đồng thời tập trung nguồn lực để lập quy hoạch cấp quốc gia, đề nghị Dự thảo bổ sung và nới khung thời gian quy trình lập quy hoạch tỉnh sang năm 2023”, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu tại Hội trường trong phiên thảo luận tại Hội trường về 30/5/2022.
Theo ông Nhân, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh, nhưng trong đó có thực tế là nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm tổ chức tư vấn. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn làm quy hoạch tích hợp lại không nhiều để có thể đáp ứng được yêu cầu, trong khi danh mục quy hoạch là rất lớn.
Hạn chế này mang tính chất khách quan, do đó không có điều gì chắc chắn 1 hay 2 tháng nữa sẽ có đủ nhà tư vấn đảm đương được, cần phải xác định có thể làm được tích hợp quy hoạch hay không, nếu không thì liệu phải chạy theo phương pháp cũ hay giải pháp nào khả dĩ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề xuất kéo dài thời gian theo định hướng là cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch và hoàn thành quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 đối với quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản trong năm 2023 phải hoàn thành.
“Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân khách quan chính là do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trong thời điểm gay go, ác liệt này, cả hệ thống chính trị của cả nước phải gồng mình tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân chủ quan trọng nhất là do Luật Quy hoạch và các luật, các văn bản hướng dẫn thi hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, nhiều bất cập, đã phát hiện có 318 nội dung vướng mắc từ các quy định pháp luật phát sinh trong thực tiễn cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung”, đại biểu phân tích.
Với tình trạng này, nếu chúng ta tập trung trong năm 2022 thì không thể nào đảm bảo được tiến độ và chất lượng quy hoạch. Thêm nữa là quy trình, thủ tục nhiều bước, phải xin ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương và lấy ý kiến nhân dân, thông qua Hội đồng nhân dân... Do đó, đại biểu Yến đề nghị cần phải có thời gian cho các hoạt động này.
Tuy nhiên, cho dù đề xuất kéo dài thời gian, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm có kế hoạch, chương trình phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể để đảm bảo tiến độ hoàn thành các quy hoạch trên.
"Năm nay là năm 2022 và dự kiến như tôi đề xuất đến năm 2023, thì thời gian còn lại cũng chỉ là 7 tháng", đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Cung cấp thông tin về quy hoạch để phục vụ cho việc tích hợp quy hoạch
Đặc biệt, trong bối cảnh lập các quy hoạch đồng thời và điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn, nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cấp cao hơn để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong Luật Quy hoạch và các quy định chi tiết hiện hành, đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh |
Hiện tại, các quy hoạch đều được lập đồng thời, chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành làm cơ sở để lập quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch đang lập đều thực hiện tích hợp quy hoạch theo điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước, tuy nhiên quy hoạch cấp thấp hơn không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì có thể phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn.
"Nếu không có cơ sở, không có cơ chế để trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu liên quan trong quá trình lập quy hoạch sẽ dẫn đến có thể phải điều chỉnh nhiều quy hoạch cấp thấp hơn, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu Lan phân tích.
Do vậy, bà Lan cho rằng, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cần cung cấp thông tin đã được Chính phủ thống nhất cho các bộ, ngành, các tỉnh để lập quy hoạch về các nội dung như mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản phát triển, không gian phát triển, hạ tầng kết nối dự án ưu tiên đầu tư phát triển vùng, liên vùng, định hướng phát triển vùng, các ngành ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.
Các bộ, ngành, tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch để phục vụ cho việc tích hợp quy hoạch và lập các quy hoạch quốc gia nhằm đảm bảo nguyên tắc lập quy hoạch trên xuống, dưới lên có tham gia nhiều bên và bảo đảm mối quan hệ giữa các quy hoạch theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và giảm thiểu các quy hoạch phải điều chỉnh sau phê duyệt.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị giải pháp quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước chỉ là giải pháp cấp bách, tình thế được áp dụng trong giai đoạn đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch.