Ngân hàng
ĐHĐCĐ Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận gần 5.200 tỷ đồng, bầu thêm một thành viên HĐQT
T.V - 26/04/2024 14:03
Kế hoạch lợi nhuận Eximbank đưa ra cho năm nay tăng gấp đôi so năm rồi và chia cổ tức ở mức 10% bằng cổ phiếu và bầu bổ sung một thành viên HĐQT

Chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và cổ phiếu

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 được tổ chức ngày 26/4, với mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi so năm rồi và chia cổ tức ở mức 10%.

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm nay. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

ĐHĐCĐ Eximbank: đặt mục tiêu lợi nhuận gần 5.200 tỷ đồng, bầu thêm 1 thành viên HĐQT

Đồng thời, HĐQT Eximbank trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch trả cổ tức 7% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Trước đó, kết thúc năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ đạt 2.146 tỷ đồng, lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng. Dự kiến Eximbank sẽ chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến bỏ ra là 522 tỷ đồng. Còn với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024.

Trước đó, năm 2023, Eximbank đã hai lần chia cổ tức với tỷ lệ 20% và 18%. Ngân hàng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu lần đầu vào tháng 2/2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Tổng số tiền để thực hiện là 2.459 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 20%. Đồng thời, vào tháng 10/2023, Eximbank lại tiếp tục phát hành thêm 265 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 18%, nâng vốn điều lệ lên 17.470 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và lũy kế các năm trước và lợi nhuận 2022.

Chủ tịch Bamboo Capital vào thành viên HĐQT Eximbank 

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT Eximbank trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Bà Loan đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Bà Loan được bầu vào HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank diễn ra ngày 14/2/2023. Vì thế, dự kiến, Eximbank sẽ bầu bổ sung một thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Eximbank bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Theo đó, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch CTCP Bamboo Capital trúng cử vào thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII. Ông Nam cũng đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch tại CTCP Bamboo Energy, Thành viên HĐQT tại Quản lý quỹ Fides Việt Nam.

Cũng tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT Eximbank tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ tương tự như nghị quyết năm trước. Đầu năm 2024, Eximbank đã thực hiện bán gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với giá mục tiêu bình quân không thấp hơn 20.199 VND/cổ phiếu, được tính theo lãi suất huy động bình quân từ 2014 đến 2023. Tuy nhiên, ngân hàng đã không bán được cổ phiếu nào do giá thị trường chưa đạt mục tiêu.

Eximbank đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài

Trả lời cổ đông về việc Eximbank có đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, ông Nguyễn Hoàng Hải, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho hay, hiện Ngân hàng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài sau SMBC thoái vốn, ngân hàngđang trong giai đoạn đi tìm một cổ đông tầm vóc lớn trên thế giới để thực sự thay đổi bộ mặt của EIB, đưa ngân hàng vươn tầm thế giới chỉ không chỉ ở Việt Nam.

Chủ tịch Eximbank bà Đỗ Hà Phương cho hay, hiện không có cổ đông lớn sở hữu 5% vốn trở lên. Không ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng. Điểm tích cực là ngân hàng sẽ hoạt động minh bạch. Tuy nhiên để phát triển về chất thì vẫn cần tiềm lực, dẫn dắt hỗ trợ, Ngân hàng sẽ cân nhắc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sau khi trình cổ đông thông qua biểu quyết.

Nói về cổ phiếu EIB lội ngược dòng thị trường trong quý đầu năm nay, bà Phương cho hay, đó là câu hỏi cả thị trường quan tâm. Theo bà Phương, vào thời điểm cuối năm 2023 đầu 2024, một số cổ phiếu ngân hàng tăng điểm tốt, nhưng cũng có cổ phiếu ngân hàng không tăng hoặc giảm, EIB thuộc nhóm này. Nguyên nhân dẫn tới giá cổ phiếu tăng, giảm phụ thuộc vào cung cầu và tâm lý nhà đầu tư.

Thứ hai là chỉ số PB trung bình ngành ngân hàng là 1.26, của EIB là 1.37, nhỉnh hơn thị trường. Đồng thời, chỉ số tài chính của EIB tăng trưởng đồng đều, chỉ số an toàn hoạt động đạt đúng theo quy định pháp luật. Hiệu quả của ngân hàng cũng đang dần cải thiện. 

ĐHĐCĐ Eximbank không thông qua tờ trình đổi địa điểm thuê trụ sở

Nhưng với tờ trình Eximbank sẽ đổi trụ sở chính hoạt động. Hiện trụ sở chính của Eximbank đặt tại tầng 8, Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM không được ĐHCĐ thông qua.

Trước đó, Eximbank cho biết, tòa nhà này đã được thuê từ năm 2011 đến nay. HĐQT cho biết sau thời gian hoạt động 13 năm, một số hệ thống kỹ thuật, vật kiến trúc của tòa nhà đã xuống cấp, ảnh hưởng đến thương hiệu và vị thế của Eximbank.

Đồng thời, Eximbank cũng đang triển khai đầu tư xây dựng trụ sở mới tại khu đất số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM. Dự án đang được xin ý kiến lãnh đạo thành phố về công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu. Trong thời gian triển khai xây dựng trụ sở chính, Eximbank cần thuê văn phòng khác để đặt trụ sở chính.

Sau quá trình khảo sát, HĐQT thấy tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM đáp ứng được nhu cầu của Eximbank và đã có tờ trình gửi ĐHĐCĐ về việc chuyển trụ sở chính sang địa điểm này. Tuy nhiên, ĐHCĐ Eximbank đã không thông qua tờ trình này. 

Tin liên quan
Tin khác