Tài chính - Chứng khoán
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: Được khuyến nghị phù hợp, TCM vẫn mất gần 12% giá trị
Lạc Nhạn - 24/03/2019 09:02
Trong tuần mà VN-Index điều chỉnh và không thể đứng vững trước áp lực bán manh, qua đó mất ngưỡng 1.000 điểm thì gần như các cổ phiếu được khuyến nghị mua bán đều giảm, chỉ còn một vài mã đi ngược xu hướng và tăng khá như TDM, MPC, CSV.

* VCSC Khuyến nghị phù hợp thị trường cho TCM

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đặt kế hoạch doanh thu 2019 tăng 7,9% so với năm trước (YoY) đạt 3,95 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS giảm 7,3% YoY đạt 242 tỷ đồng. Công ty không công bố thêm chi tiết về kế hoạch này.

Tuy nhiên, chúng tôi giả định kế hoạch của công ty cho lợi nhuận thấp hơn là do mức cơ sở lợi nhuận cao năm 2018 từ thanh lý tài sản trị giá 48 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu của công ty cao hơn 3% dự báo của chúng tôi trong khi kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS thấp hơn 7% dự báo tương ứng của chúng tôi.

Chúng tôi lưu ý rằng TCM đã vượt kế hoạch trong vòng 2 năm qua. Trong năm 2017, công ty đã vượt 8% kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS và năm 2018 đã vượt 12% kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS từ hoạt động kinh doanh chính.

Chúng tôi do đó cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể đến dự báo 2019 của chúng tôi, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho TCM, với giá mục tiêu 30.500 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời -2,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 3%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong tuần, cổ phiếu TCM giao dịch đáng chú ý có phiên giảm sàn ngày 20/3, và tiếp tục giảm 2% ngày cuối tuần, trước đó cũng giảm mạnh -4,2% vào ngày thứ Ba.

Còn 2 phiên tăng nhưng mức tăng khá khiêm tốn (+0,3%; +0,6%). Thanh khoản có từ 1,2 triệu đến hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, TCM giảm từ 33.500 đồng xuống 29.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng -11,8%.

* BVSC: Khuyến nghị tích cực đối với MSH với mức giá hợp lý 67.400 đồng/CP

Triển vọng tăng trưởng của may mặc Việt Nam trong trung hạn nhờ vào xu hướng chuyển dịch đơn hàng may mặc với lợi thế từ các Hiệp định thương mại và chi phí nhân công cạnh tranh.

Vị thế đầu ngành cùng với năng lực sản xuất đã được chứng tỏ trong quá khứ là lợi thế để CTCP May Sông Hồng (mã MSH) có khả năng ký kết những đơn hàng lớn mang tính kinh tế cao.

Bằng phương pháp DCF, BVSC đưa ra mức giá trị hợp lý với cổ phiếu MSH là 67.400 đồng/CP, tương đương mức lợi nhuận khoảng 26% so với mức giá đóng cửa ngày 14/3/2019, tương đương mức P/E mục tiêu 2019 là khoảng 7,7x. Do đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu MSH.

Trong tuần qua, cổ phiếu MSH giao dịch kém sắc, khi chỉ có một phiên xanh nhạt đầu tuần (+1,1%), sau đó là cả 4 phiên giảm (-0,7%; -0,4%; -2,5%; -0,8%), thanh khoản cũng tương đương tuần trước, với từ 15.000 đến hơn 70.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, MSH giảm từ 52.800 đồng xuống 51.100 đồng, tương ứng -3,21%.

* BVSC: Khuyến nghị tích cực đối với PTB với mức giá hợp lý 79.000 đồng/CP

Chúng tôi đánh giá tích cực triển vọng kinh doanh của CTCP Phú Tài (mã PTB) trong 2 năm tới khi hai lĩnh vực kinh doanh chính đều có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng câu chuyện mới về dự án chung cư và việc mua cổ phiếu quỹ sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu trong cả dài hạn và ngắn hạn.

BVSC giữ nguyên quan điểm dự báo như báo cáo trước với lợi nhuận ròng 2019 dự báo đạt 433 tỷ đồng, tương ứng EPS là 8.919 đồng, tăng 13% so với năm 2018. Chỉ số P/E năm 2019 đạt 7,2 lần.

Cổ phiếu PTB đã tăng hơn 8% kể từ lần cập nhật trước và chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho PTB với mức giá hợp lý là 79.000 đồng/cp, tiềm năng tăng giá là 24%.

Trong tuần, cổ phiếu PTB giao dịch giằng co, khi có 2 phiên đầu tuần và cuối tuần tăng (+1,4%; +2,6%), 2 phiên giảm (-2,5%; -1,6%), và đứng tham chiếu ngày 21/3.

Thanh khoản dao động từ 40.000 đến hơn 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, PTB giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu, từ 62.900 đồng xuống 62.900 đồng/cổ phiếu.

* KIS: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với VRE với giá mục tiêu 42.300 đồng/CP

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ công ty mẹ - Vingroup cũng như hệ sinh thái hoàn hảo mà VRE được thừa hưởng.

Trên thực tế, sự phát triển của Vinhomes (công ty về bất động sản của Vingroup) cùng với các dự án dân cư lớn như Vincity, Vinhomes Central Park... sẽ là động lực phát triển cho hoạt động kinh doanh của VRE.

Sử dụng phương pháp DCF, chúng tôi đinh giá cổ phiếu VRE là 42.300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019. Khuyến nghị tăng tỷ trọng.

Trong tuần, cổ phiếu VRE có 2 phiên giảm mạnh liên tiếp 20 và 21/3 (-4,1%; -4,6%) là đáng chú ý, trước đó có phiên giảm nhẹ -0,8%. Còn lại tăng (+1,3%; +1,4%).

Thanh khoản duy trì từ 2 triệu đến gần 5 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, VRE giảm từ 37.500 đồng xuống 35.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng -6,66%.

* BSC: GTN có khả năng tiến về vùng giá 20.2-23.4

Cổ phiếu Công ty cổ phần GTNfoods (mã GTN) vận động trên mốc hỗ trợ 17.69 và trong vùng hồi phục từ vùng đáy 8.41 giữa tháng 7/2018. Thanh khoản cổ phiếu trong trạng thái tích cực với thanh khoản tiếp tục tăng.

Chỉ báo RSI vận động tiến vào vùng mua từ vùng trung lập, ủng hộ khả năng bức phá ngắn hạn và chỉ báo MACD cho thấy dấu hiệu GTN tiếp tục tăng giá trong các phiên sau. Vận động các đường MA tiếp tục cho thấy đà tăng sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn và trung hạn.

Nếu cổ phiếu tiếp tục vận động trên mốc hỗ trợ 17.69 với thanh khoản tiếp tục tăng, GTN sẽ có khả năng tiến về vùng giá 20.2 – 23.4 trước khi vượt đỉnh tháng 2/2017. Nếu thanh khoản suy giảm và vùng giá mất mốc 17.69, GTN sẽ có khả năng quay lại kiểm tra vùng 14.15 – 15.92.

Trong tuần, cổ phiếu GTN đã duy trì sắc tím của 2 phiên cuối tuần trước trong phiên đầu tuần mới, và tiếp tục +2,8% trong ngày tiếp theo. Trước khi bắt đầu gặp áp lực chốt lời, khi giảm 4,7% ngay sau đó.

Tưởng chừng đà đi lên sẽ tiếp diễn khi phiên thứ Năm, cổ phiếu này lấy lại 0,5%, nhưng bất ngờ đã bị xả hàng và giảm sàn trong phiên cuối tuần -6,8%.

Chốt tuần, GTN giảm từ 18.250 đồng xuống 17.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng -1,91%.

* VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với TPB

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) thêm 3,7% chủ yếu vì điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận cho các năm 2019, 2020, và 2021 thêm lần lượt 4,2%, 8% và 5% và điều chỉnh tăng 1,8% dự báo tổng vốn chủ sở hữu năm 2019. Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan.

Việc điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận phần lớn dựa trên việc điều chỉnh tăng trung bình 25% dự báo thu nhập lãi thuần và điều chỉnh giảm trung bình 29% dự báo chi phí dự phòng 2019- 2021. Tăng dự báo thu nhập phí bán lẻ và dự báo việc tất toán trái phiếu VAMC trong năm 2019 đưa đến quyết định.

Chúng tôi dự báo EPS 2019 sẽ tăng 23,3% năm 2019 và 35,3% năm 2020. ROAA và ROAE dự báo sẽ đạt lần lượt 1,5% và 18,9% năm 2019 và 1,8% và 21% năm 2020.

Trong tuần, cổ phiếu TPB giao dịch không có nhiều điểm đáng chú ý, khi chỉ có phiên đầu tuần tăng 1,2%, sau đó đứng tham chiếu và biến động nhẹ trong 3 phiên còn lại (-0,2%; -0,2%; +0,2%). Thanh khoản trung bình đạt trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, TPB tăng nhẹ từ 21.000 đồng lên 21.200 đồng/cổ phiếu.

* ACBS: Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG

Năm 2019, DXG dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 22% (77 triệu cổ phiếu) và phát hành ESOP theo tỷ lệ 1,7% (6 triệu cổ phiếu).

Công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1 (tối đa 87,5 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 10.000 đ/cp). Số tiền tối đa thu được từ đợt phát hành này là 875 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào dự án Gem Riverside ở quận 2, TP. HCM. Như vậy, số cổ phiếu lưu hành dự kiến sẽ tăng từ 349,8 triệu lên tối đa 520,2 triệu và vốn điều lệ sẽ tăng từ 3.498 tỷ đồng lên tối đa 5.202 tỷ đồng.

Cổ phiếu DXG đang giao dịch ở mức 24.200 đồng/cp, tương đương với P/E dự phóng 2019 là 6,8 và P/B dự phóng là 1,1. Giá mục tiêu của chúng tôi trong báo cáo gần nhất vào ngày 25/1/2019 là 30.203 đồng/cp, cao hơn 25% so với giá thịtrường hiện tại.

Trong tuần, cổ phiếu DXG cũng có 2 phiên khóa đầu tuần và cuối tuần xanh (+0,4%; +0,9%), còn lại 3 phiên giảm (-3,3%; -0,2%; -4,1%). Thanh khoản có phiên hơn 2,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt tuần, DXG giảm từ 24.200 đồng xuống 22.700 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,19%.

* BSC: ACB sẽ hồi phục trở về ngưỡng 34

Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) đang trong nhịp hồi phục trung hạn trong kênh giá 28-34.

Thanh khoản ba phiên giao dịch gần nhất duy trì xu hướng tăng và nằm trên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên cho thấy lực hồi phục vẫn khá mạnh.

Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tăng giá trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy cổ phiếu có thể sẽ điều chỉnh nhẹ. RSI vượt ngưỡng mua quá và bước giá chạm ngưỡng kháng cự 32 sẽ dẫn tới một, hai phiên tích lũy ngắn han.

Tuy nhiên, vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang nằm trong xu hướng hồi phục trung hạn với đà tăng MA20 sắp cắt MA200.

Như vậy, ACB hồi phục trở về ngưỡng giá 34 và tích lũy quanh ngưỡng này trước khi kiểm tra lại ngưỡng kháng cự mạnh tại mức giá 38.

Trong tuần, cổ phiếu ACB cũng như nhiều cổ phiếu được khuyến nghị khác, song hành cùng chỉ số VN-Index, khi tăng trong 2 phiên đầu và cuối tuần (+0,6%), +0,3%), và điều chỉnh trong các ngày còn lại (-1,9%; -1%; -1,9%).

Thanh khoản luôn trong top các mã mã cao nhất HNX, từ 1,8 triệu đến hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, ACB giảm từ 31.700 đồng xuống 30.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng -0,65%.

* MBS: Khuyến nghị khả quan đối với DGW với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số, với giá mục tiêu 27.400 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi cho rằng triển vọng 2019 của DGW sẽ tiếp tục duy trì tích cực trên cơ sở (i) mảng kinh doanh điện thoại di động kỳ vọng tăng trưởng khá nhờ đóng góp từ Xiaomi và Nokia,  (ii) mảng kinh doanh máy tính xách tay và máy tính bảng duy trì nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp, (iii) mảng thiết bị văn phòng đạt tốc độ tăng trưởng cao, và (iv) mảng FMCG mặc dù đóng góp nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng dự kiến sẽ cải thiện khá trong năm 2019 nhờ hợp đồng mới ký với Nestlé.

Trong tuần, cổ phiếu DGW chỉ có phiên tăng khá đầu tuần (+2,6%), và giảm 3 phiên liên tiếp sau đó (-0,4%; -1,1%; -1,1%), trước khi đứng tham chiếu ngày cuối tuần. Như vậy, chốt tuần này, cổ phiếu DGW không đổi tại 23.300 đồng/cổ phiếu.

* FPTS: Khuyến nghị mua cổ phiếu NCT

 Thông qua biến động tương quan 11 tháng gần nhất giữa Cổ phiếu Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (mã NCT) và VN-Index, chúng tôi nhận thấy mức tương quan giữa biến động giá cổ phiếu với thị trường chung là thấp. Yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư tại cổ phiếu giảm thiểu rủi ro nếu thị trường xuất hiện pha hiệu chỉnh.

Với dấu hiệu lực cầu chủ động xuất hiện sau khi cổ phiếu thiết lập nền giá quanh mốc 70.000 đồng, chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu sẽ biến động tích cực trong thời gian tới.

Nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu cho chiến lược ngắn hạn với mức sinh lời kỳ vọng ước tính khoảng 16,71%, mức dừng lỗ tối đa 4,13%, thời gian nắm giữ kỳ vọng 25 phiên giao dịch.

Trong tuần, cổ phiếu NTC chỉ có phiên hồi phục duy nhất cuối tuần (+2,9%), trước đó là cả 4 phiên đều giảm (-2,4%; -0,8%; -1,4%; -0,4%). Thanh khoản chỉ ở mức trên dưới 100.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, NTC giảm từ 120.100 đồng xuống 118.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng -1,49%.

* KIS: Ước tính lợi nhuận năm 2019 của HPG đạt 9.320 tỷ đồng

Năm 2019, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 70 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 25% so với năm trước), nhờ tăng sản lượng thép dài 26% lên hơn 3 triệu tấn và tăng sản lượng thép ống 18% đạt 0,77 triệu tấn.

Ban quản trị đặt mục tiêu chiếm 33% thị phần vào năm 2019, vì vậy HPG sẽ hạ giá bán để giành thị phần và chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ròng là 6.700 tỷ đồng giảm 22% n/n cho năm 2019.

Ngoài ra, công ty sẽ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%) vào quý II/2019. Trong khi đó, kế hoạch cổ tức 20% năm 2019 có thể là cổ phiếu hoặc tiền mặt.

Với sự chậm tiến độ nói trên, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát sẽ đạt 72.697 tỷ đồng và 9.320 tỷ đồng trong năm 2019. EPS dự phóng là 4.000 đồng.

Trong tuần, cổ phiếu HGP có 2 phiên tăng (+0,2%; +1,3%), và 3 phiên còn lại giảm (-0,2%; -0,9%; -0,2%). Thanh khoản có phiên cao nhất tới hơn 10,5 triệu đơn vị.

Chốt tuần, HPG tăng nhẹ không đáng kể từ 31.900 đồng lên 31.950 đồng/cổ phiếu.

* VCSC: Khuyến nghị mua REE với giá mục tiêu 44.400 đồng/CP

REE là cổ phiếu được chúng tôi đánh giá tích cực và hiện có đánh giá thấp hơn giá trị thực tế của công ty với danh mục đầu tư điện lớn trong khi tình hình thiếu hụt điện ở Việt Nam ngày càng trầm trọng. REE hiện đang giao dịch với P/E 5,4 lần dựa theo dự báo EPS năm 2019.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho REE với giá mục tiêu 44.400 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời 38,3% bao gồm lợi suất cổ tức 5,4%.

Trong tuần, cổ phiếu REE cũng giao dịch không có quá nhiều điểm nhấn, khi tăng 2 phiên (+1,8%; +0,8%), và giảm trong 3 ngày còn lại (-1,8%; -1,8%; -2,7%). Thanh khoản tương đương tuần trước đó, khi có trung bình từ 0,4 đến 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, REE giảm từ 34.000 đồng xuống 32.750 đồng/cổ phiếu, tương ứng -3,67%.

* BVSC: Khuyến nghị trung lập đối với HVN

Chúng tôi ghi nhận các biện pháp tích cực trong việc giảm chi phí và nợ vay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã HVN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đang chậm lại và cạnh tranh gia tăng, với sự tham gia của Bamboo Airways và AirAsia cũng đã công bố  về  khả  năng gia nhập thị trường hàng không nội địa Việt Nam.

Việc chuyển sàn lên HOSE sẽ là yếu tố tâm lý tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên HVN sẽ chỉ đáp ứng được điều kiện để xét duyệt vào FTSE với thời điểm sớm nhất là tháng 9/2019.

HVN không đủ điều kiện để được xét vào VN30 hay Market Vectors Vietnam ETF, chỉ trong điều kiện free float tăng lên do Nhà nước thoái vốn mà sớm nhất trong năm 2020.

Ngoài ra, mức giá hợp lý của HVN dựa trên ước tính từ các yếu tố cơ bản ở mức 44.828 VNĐ/cổ phần. Do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu HVN.

Trong tuần, cổ phiếu HVN giữ được nhịp tăng từ tuần trước trong phiên đầu tuần (+3,3%), nhưng sau đó đã gặp áp lực bán xuyên suốt 4 phiên còn lại và mất điểm (-2,1%; -0,7%; -1,9%; -1,2%). Thanh khoản duy trì từ 1 triệu đến hơn 2,2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, HVN giảm từ 42.300 đồng xuống 41.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng -1,89%.

* BVSC: Khuyến nghị tích cực đối với TDM với giá mục tiêu 34.700 đồng/CP

Mức định giá theo phương pháp FCFF là 44.800 VND/CP và mức giá theo phương pháp P/E là 34.700 VND/CP (lưu ý: định giá P/E được tính theo EPS dựa trên kết quả hợp nhất giả định BWE như trình bày trang 5 của báo cáo này). 

CTCP Nước Thủ Dầu Một là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả hoạt động ở mức cao. Công ty có thể  tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vài năm tới nhờ đầu tư thêm nhà máy mới cũng như nhu cầu nước sạch tăng ở Bình Dương. Cùng với đó, mức giá hiện tại của TDM đang thấp hơn mức giá mục tiêu.

Vì vậy, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu TDM với mức giá mục tiêu trong một năm là 34.700 VND/CP (tiềm năng tăng giá 23,9% so với mức giá đóng cửa ngày 15/3/2019 là 28.000 VND/CP). 

Trong tuần, cổ phiếu TDM tăng với mức 1,1% trong 2 phiên đầu tuần, sau đó giằng co và đứng tham chiếu 2 ngày tiếp theo, trước khi lấy lại mức tăng nhẹ 0,7% trong ngày cuối tuần.

Thanh khoản khá đều với trên dưới nửa triệu đơn vị khớp lệnh/phiên. Duy nhất có phiên cuối tuần suy yếu với chỉ hơn 0,2 triệu cổ phiếu được sang tay.

Chốt tuần, TDM tăng từ 28.000 đồng lên 28.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,85%.

* BSC: PPC sẽ tiếp tục tạo đỉnh mới và kiểm tra vùng kháng cự 29-30

Cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) đang nằm trong xu hướng hồi phục dài hạn từ vùng đáy 18. Thanh khoản các phiên giao dịch gần đều nằm trên mức giao dịch trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá sau khi đà hồi phục đã được xác định ngay sau một phiên điều chỉnh mạnh vào ngày 19/03. Vận động 3 đường MA cũng ủng hộ nhịp tăng giá này.

Như vậy, PPC sẽ tiếp tục tạo đỉnh mới và kiểm tra vùng kháng cự 29-30 trong các phiên tới.

Trong tuần, cổ phiếu PPC có 2 phiên giao dịch đáng chú ý là 20/3 khi tăng kịch trần, nhưng ngay lập tức sau đó bị bán mạnh và giảm sàn ngày 21/3.

Các phiên còn lại trồi sụt với 2 phiên giảm (-3,1%; -4,3%) và tăng 2,5% trong ngày cuối tuần. Thanh khoản ở mức khá, khi có từ 1 triệu đến 1,5 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, PPC giảm từ 26.100 đồng xuống 24.650 đồng/cổ phiếu, tương ứng -5,55%.

* VCSC: Khuyến nghị mua đối với CII với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) cho biết đã phát hành thành công 1,15 nghìn tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 10 năm bằng tiền đồng Việt Nam, lãi suất 7,2%/năm. Các trái phiếu này được GuarantCo bảo lãnh thanh toán.

Giả định các yếu tố khác không thay đổi, sau đợt phát hành trái phiếu nói trên, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ / vốn chủ sở hữu của CII sẽ tăng nhẹ từ 1,31 lần vào cuối năm 2018 lên 1,45 lần.

Tuy nhiên, chúng tôi hiện dự báo tỷ lệ đòn bẩy của công ty sẽ cải thiện và chỉ còn 1,15 lần vào cuối năm nay với dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2019 sẽ tăng 10,1 lần lên 956 tỷ đồng sau khi xuống thấp năm 2018.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 31.500VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 26,5%, không bao gồm lợi suất cổ tức.

Trong tuần, cổ phiếu CII có 3 phiên tăng (+1,6%; +2,4%; +1,6%), chỉ 1 phiên giảm (-2,7%) và đứng tham chiếu ngày đầu tuần. Thanh khoản cũng duy trì tốt khi có từ 0,9 đến 1,8 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, CII tăng từ 24.500 đồng lên 25.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng +2,85%.

* VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với SSI

Chúng tôi điều chỉnh giảm 9,3% giá mục tiêu dành cho CTCP Chứng khoán SSI (SSI) xuống 32.100VND/cổ phiếu và giữ khuyến nghị khả quan với tổng mức sinh lời 13,4% sau khi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt 13,1%, 9,1% và 7,1% và áp dụng P/B 2019 chỉ 1,45 lần so với 1,5 lần trước đây.

Giá cổ phiếu SSI từ đầu năm đến nay chỉ tăng 6,6%, chậm hơn so với chỉ số VNI (10,9%) và trong 12 tháng tới, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu có ít tiềm năng tăng trưởng hơn so với báo cáo trước do các công ty trong nước hiện phải tìm chỗ đứng mới sau khi Thông tư 128 có hiệu lực.

Trong tuần, cổ phiếu SSI có 4 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-1%; -1%; -1,2%; -4,4%) và chỉ kịp hồi phục nhẹ 0,7% trong ngày cuối tuần. Thanh khoản có từ hơn 1,1 đến 1,7 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, SSI giảm từ 29.500 đồng xuống 27.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,78%.

* BVSC Khuyến nghị ngắn hạn OUTPERFORM đối với cổ phiếu MPC

Động lực tăng trưởng chính của MPC trong tương lai không chỉ đến từ việc tăng công suất nhà máy, qua đó tăng trưởng về mặt sản lượng xuất khẩu, mà còn ở triển vọng giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, qua đó cải thiện tích cực biên lợi nhuận gộp trong tương lai.

Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đầu ngành, với kim ngạch xuất khẩu đứng đầu thế giới. Công ty hiện đang có những dự án khả thi để hỗ trợ cho tăng trưởng của công ty trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, trong ngắn hạn hạn, với những lợi thế cạnh tranh và vị thế vốn có của mình, chúng tôi cho rằng những triển vọng tích cực của Minh Phú sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị ngắn hạn OUTPERFORM đối với cổ phiếu MPC, với mức giá mục tiêu theo phương pháp so sánh P/E là 59.500 VND/CP, tương ứng mức PE mục tiêu 2019 là 9,0x lần.

Trong tuần, cổ phiếu MPC giảm nhẹ phiên đầu tuần (-0,9%), sau đó giao dịch tích cực hơn với 3 phiên tăng (+0,2%; +4,8%; +1,9%), và chỉ đứng tham chiếu ngày 20/3. Thanh khoản trung bình trên dưới 0,2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, MPC tăng từ 45.900 đồng lên 48.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng +5,88%.

MBS: Khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CSV

Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CSV với giá mục tiêu 36.000 đồng trên phương pháp so sánh P/E.

Triển vọng kinh doanh của CSV tiếp tục duy trì khả quan nhờ (i) vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản, (ii) dư địa tăng trưởng ngành hóa chất cơ bản lớn, (iii) sở hữu sức khỏe tài chính tốt với tỷ lệ nợ vạy/TTS thấp và quản lý dòng tiền hiệu quả.

Trong tuần, cổ phiếu CSV tăng trong 3 phiên từ đầu tuần (+1%; +3,5%; 0,6%) và điều chỉnh trong 2 phiên còn lại (-1,5%; -0,5%).

Chốt tuần, CSV tăng từ 30.700 đồng lên 31.650 đồng/cổ phiếu, tương ứng +3,09%.

Tin liên quan
Tin khác