Thiếu vốn khiến doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi trong các FTA |
“Điểm nghẽn” vốn
Hệ thống 15 FTA đang thực thi đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và khách hàng, qua đó đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan.
Bộ Công thương cho biết, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 233 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.
Trong 8 tháng năm 2023, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch thương mại của Việt Nam ở mức 63 tỷ USD, thặng dư 3,3 tỷ USD. Với EU ghi nhận kim ngạch thương mại là 38,5 tỷ USD, thặng dư 9,5 tỷ USD…
Tại Tọa đàm Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA mới đây, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường FTA còn chưa cao. Ví dụ năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI đang tận dụng FTA để thúc đẩy xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Bà Phương cũng chỉ ra những hạn chế trong thực thi FTA, doanh nghiệp của Việt Nam mới tham gia vào một phần rất nhỏ trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, giá trị gia tăng nhận được còn hạn chế. Đơn cử, trong ngành dệt may hay da giày, phần lớn doanh nghiệp FDI tận dụng được tốt hơn doanh nghiệp nội vì họ kết nối được các nguyên liệu trong chuỗi cung ứng của họ như từ Hàn Quốc vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang các thị trường EVFTA.
“Điểm nghẽn lớn nhất khiến các doanh nghiệp, ngành hàng khó thực thi các FTA là eo hẹp về nguồn vốn”, bà Phương nhận định.
Báo cáo mới đây của Bộ Công thương về tình hình thực thi CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra, một trong những hạn chế khi triển khai các FTA là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt, nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, khó khăn thực sự đến với doanh nghiệp nói chung doanh nghiệp thủy sản nói riêng do cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới giảm, trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Doanh nghiệp rất cần có nguồn lực để sản xuất kinh doanh, nhưng nút thắt quan trọng nhất chính là tín dụng và lãi suất.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 chỉ ra rằng, có đến 55,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7%, năm 2021 là 46,9%.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng cho rằng, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được nguồn tài chính.
Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị dòng tiền
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, ngân hàng luôn dành ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi. Trong đó, đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất hàng sang những khu vực thị trường có FTA, thậm chí ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn, hiện nay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD.
Song, hoạt động cho vay vốn phải tuân thủ các quy định, những doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được.
“Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tài chính, khả năng quản trị dòng tiền, quản trị sản xuất, kinh doanh, không đáp ứng đủ điều kiện để ngân hàng cho vay”, ông Hùng nói.
Về tổng thể, theo số liệu của VNBA, 10 tháng của năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng trên 7%, nhưng với lĩnh vực xuất nhập khẩu là 11,61%, cao hơn so với cả năm 2022 và nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 0,72%.
Khẳng định “sân chơi” FTA tạo cú hích cho doanh nghiệp thủy sản gia tăng xuất khẩu, song ông Nguyễn Hoài Nam lo lắng, với chuỗi ngành hàng thủy sản, liên quan đến bà con nông dân, ngư dân, động lực để thúc đẩy sản xuất là có, nhưng thiếu vốn nên không thực hiện được.
Ngành thủy sản mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngân hàng, sao cho lãi suất với VND dưới 7%, lãi suất USD dưới 4%.
“Năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiệm cận 11 tỷ USD, tăng đến 23%. Kết quả xuất khẩu này có được nhờ hệ thống FTA tạo thuận lợi về thị trường và nguồn vốn tín dụng giúp các mắt xích trong chuỗi thủy sản thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất. Sang năm 2023, do khó khăn về thị trường bên ngoài lẫn nội tại, có thời điểm xuất khẩu giảm 30-40%. Giải pháp để doanh nghiệp đi qua khó khăn vẫn là bài toán vốn và tín dụng. Do đó, kiến nghị của VASEP với Chính phủ, các bộ, ngành đầu tiên vẫn là nới lỏng tín dụng”, ông Nam cho biết.