. |
Áp lực tạo kim cương
Những ngày cuối năm, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) không giấu được cảm xúc vui mừng khi chia sẻ về việc chi nhánh cuối cùng trong hệ thống đã về đích. Còn kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm, toàn Công ty đã sớm hoàn thành từ gần một tháng trước. Kỳ vọng của vị CEO này là lấy Covid-19 làm vận hội để đưa PNJ “bơi ngược dòng”.
Trong quá khứ, không ít doanh nhân tìm kiếm các cơ hội tiềm ẩn trong khó khăn như vậy. Chiếc xe đẩy hàng được sử dụng phổ biến tại các siêu thị hiện nay là sáng chế từ gần 100 năm trước của ông chủ chuỗi hệ thống siêu thị Humplt Dumplty, một người vài năm trước đó đã trắng tay và phải làm lại từ đầu sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929. Chiếc xe này chỉ xuất phát từ những suy nghĩ đau đáu làm sao để khách hàng khi đến siêu thị có thể mua hàng nhiều hơn, nhưng đã trở thành phát minh tồn tại đến bây giờ.
Đứng ở vị trí một khách hàng của PNJ, khá dễ dàng để nhận ra chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của công ty này, nhất là khi số lượng bộ sưu tập mới ra mắt nhiều hơn hẳn những năm trước. Yếu tố công nghệ từ sự hỗ trợ của hệ thống quản trị ERP vận hành từ năm 2019 đang cho phép PNJ sản xuất sát hơn với nhu cầu tiêu dùng.
Công nghệ cũng là cách mà Cao su Đà Nẵng phát triển nội lực. Bằng ứng dụng tự động hóa, năng suất tại nhà máy tăng 20 - 25% so với năm trước, đảm bảo tăng được sản lượng mà chưa cần tuyển thêm nhân sự. Doanh nghiệp này cũng là một điểm sáng trong năm 2020, khi đã vượt kế hoạch kinh doanh, chủ yếu nhờ sức bật của quý cuối năm.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khi đã có sự phục hồi từ quý III/2020. Ngoài các yếu tố thị trường như sự hồi phục về nhu cầu tiêu thụ, tích trữ nguyên vật liệu giá thấp, nguyên nhân chính tạo thành công đó là các doanh nghiệp đã chủ động củng cố nội lực, tiết giảm các khoản chi phí. Các công ty đầu ngành như Habeco, Vicostone đều đã sớm lấy lại đà tăng trưởng, đưa lợi nhuận về mức ngang ngửa, thậm chí vượt kết quả đạt được năm 2019.
Ngoài phát triển nội lực, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm những thị trường kinh doanh mới. Như trường hợp của Sa Giang - doanh nghiệp nắm thị phần hàng đầu đối với mặt hàng bánh phồng tôm, đã chuyển sang tập trung sản xuất mặt hàng phụ là các sản phẩm từ gạo để tận dụng nhu cầu tăng lên của thị trường.
Với Vinaconex, dù định hướng lâu dài đề ra là đặt trọng tâm vào mảng kinh doanh bất động sản, nhưng đây cũng là cái tên xuất hiện dày đặc trong danh sách nhà thầu thi công, đặc biệt tại các dự án đầu tư công, như gói thầu các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hay cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II (Hà Nội), Bệnh viện K… Ghi nhận thêm khoản lãi tài chính đột biến từ thoái vốn cổ phần tại các đơn vị bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, Vinaconex báo lãi ròng 1.500 tỷ đồng, vượt tới 83% chỉ tiêu đề ra đầu năm.
Thanh khoản là yếu tố sống còn
Gần 2,3 triệu tỷ đồng là con số các khoản vay ngân hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 12/2020.
Dù khiến nhiều ngành nghề kinh tế bị đóng băng, song dịch bệnh không thể làm ngưng nghỉ dòng chảy của tiền. Các khoản nợ đến hạn cùng nhiều khoản định phí khác vẫn cần chi trả, cho dù dòng tiền vào eo hẹp. Bằng Thông tư 01/2020/TT-NHNN với quy định cho phép hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời “đóng gói” các khoản nợ, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn trong việc thu xếp dòng tiền.
Tuy vậy, với sự thận trọng không thừa, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để ưu tiên cho thanh khoản và đảm bảo khả năng thanh toán nợ, bên cạnh bài toán làm sao để hồi phục kinh doanh.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã nhanh chóng thu xếp một khoản vay thông qua phát hành trái phiếu với giá trị 500 tỷ đồng. 60% số vốn huy động được sử dụng để tất toán khoản trái phiếu phát hành 3 năm trước.
Nhiều công ty cũng chủ động phát hành thêm chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) để giảm các khoản nợ ngắn hạn từ ngân hàng nhằm mở rộng dư địa đi vay và tăng cường tính linh hoạt tài chính.
Để cơ cấu lại khoản nợ tại các ngân hàng, Hoàng Anh Gia Lai mới đây cho biết sẽ bán 47,5 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Đây cũng là một trong các biện pháp tái cơ cấu mà Vietnam Airlines tính đến trong năm 2021. Tổng công ty này dự kiến thoái một phần hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không…
Tuy nhiên, với môi trường lãi suất thấp và tỷ giá ổn định hiện tại, nhiều ông lớn hoạt động trong các lĩnh vực có cơ hội phát triển lại đang chủ động gia tăng vay nợ để đầu tư. Theo thống kê tại các doanh nghiệp phi tài chính nằm trong Top 100 tổ chức niêm yết có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, tổng nợ phải trả tăng hơn 7%, tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Becamex, Vinhomes, Vingroup, Vinamilk, Viglacera…
Nhiều dự án đầu tư cũng đã được các doanh nghiệp lớn lên kế hoạch cho năm 2021. Như với PV Power, doanh nghiệp này dự kiến khởi công các dự án Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD ngay trong quý I/2021. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đón đầu cơ hội xuất khẩu cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng công suất như Cao su Đà Nẵng với dự án nhà máy lốp radial có quy mô công suất có thể tăng gấp đôi so với hiện tại.