Đây là sự kiện được triển khai nhằm cụ thể hóa sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đề xuất tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tháng 01/2022. Với sự tham dự của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tài nguyên và môi trường, năng lượng của Nhật Bản, các nước ASEAN, Australia cùng lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và khu vực, sự kiện được xem là bước tiến quan trọng thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phát triển và sử dụng công nghệ để giảm phát thải các-bon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững tại Châu Á.
Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Yên Bái (trái) và Tuyên Quang (phải) với Tập đoàn Erex, Nhật Bản |
Bên cạnh hội nghị cấp Bộ trưởng, tại Diễn đàn đầu tư công - tư Cộng đồng Châu Á không phát thải, có sự tham gia của Đoàn công tác tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, 2 địa phương đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Erex - Nhật Bản về việc triển khai hoạt động hợp tác phát triển nhiên liệu sinh khối và đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu từ ngành lâm nghiệp tại địa phương dưới sự chứng kiến của ông Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Nối tiếp chuyến công tác, sáng ngày 4/3, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Trần Huy Tuấn cùng các thành viên trong đoàn đã có chuyến khảo sát tại Nhà máy điện sinh khối Buzen – một trong những nhà máy điện sinh khối mà Erex đang vận hành tại Nhật bản. Tại buổi khảo sát, lãnh đạo 2 bên đã có những thảo luận sâu sắc hơn về việc thúc đẩy việc triển khai dự án điện sinh khối tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Các thành viên trong đoàn cũng đánh giá cao về quy mô, công nghệ và việc đảm đảo an toàn với môi trường trong quá trình vận hành nhà máy.
Được thành lập vào năm 1999, Tập đoàn Erex là công ty điện lực sử dụng nhiên liệu sinh khối là nển tảng để triển khai xuyên suốt các hoạt động thu mua, phát triển nhiên liệu, phát điện, thương mại điện năng và bán lẻ điện năng. Tập đoàn hiện sở hữu và vận hành 5 Nhà máy điện sinh khối lớn tại Nhật Bản với tổng công suất 269 MW. Việt Nam là quốc gia đầu tiên Erex cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản. Theo đó, Erex đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 1.500 MW điện sinh khối, cắt giảm 27,570 kt/năm CO2 vào năm 2035 và phát nguồn điện ổn định. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh khối chưa sử dụng ở Việt Nam, phát triển nhiên liệu sinh học mới nhằm góp phần cải thiện thu nhập của nông dân và tạo việc làm liên quan đến vận hành nhà máy điện.
Tại Hội nghị AZEC, bên cạnh việc ký kết biên bản ghi nhớ với các địa phương, Erex còn tham gia với tư cách là một diễn giả cùng với nhiều doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản để giới thiệu về những giải pháp kỹ thuật cùng những nỗ lực đang triển khai hướng tới giảm phát thải các-bon. Ông Hitoshi Honna - Tổng giám đốc Tập đoàn Erex đã có bài phát biểu với chủ đề “Chấm dứt biến đổi khí hậu bằng thách thức và tốc độ - Chuyển đổi năng lượng tại các quốc gia Đông Nam Á”.
Ông Hitoshi Honna – Tổng giám đốc Tập đoàn Erex phát biểu tại Hội nghị AZEC |
Trong bối cảnh môi trường quốc tế xoay quanh vấn đề năng lượng đang có sự thay đổi, để các quốc gia Châu Á có thể đồng thời ứng phó với việc cung cấp ổn định nguồn năng lượng, tăng trưởng kinh tế bền vững, và đối sách cho biến đổi khí hậu, thì điều quan trọng là cần phải tiến hành chuyển đổi năng lượng phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Với mục tiêu trở thành “Công ty tiên phong lấy năng lượng tái tạo làm cốt lõi trong kỷ nguyên điện năng mới” Tập đoàn Erex đang từng bước hiện thực hóa các kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Từ đầu năm 2022, tập đoàn cũng đã phối hợp với một số đối tác tại Việt Nam triển khai khảo sát tại trên 20 địa phương với mong muốn đến năm 2030 sẽ xây dựng được 14 nhà máy điện sinh khối tại 12 địa phương với tổng công suất trên 1100MW.
Thông qua các hoạt động tại Hội nghị AZEC cùng các kế hoạch và dự án đang triển khai tại Việt Nam, Tập đoàn Erex đang nỗ lực đảm bảo cung cấp ổn định năng lượng cũng như sẽ góp phần thực hiện cắt giảm phát thải carbon với chi phí thấp và tốc độ nhanh, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng trái đất ấm dần lên không chỉ ở Việt Nam mà còn là trong khu vực.