Doanh nghiệp
Doanh nghiệp "tố" chủ khảo tiếp tục “gài chiêu” loại thang máy Việt
Ngọc Tuấn - 30/12/2020 12:02
Sau thời gian im ắng, tình trạng chủ khảo “gài chiêu” thang máy không đúng theo Quy chuẩn Quốc gia để loại hàng sản xuất trong nước lại tái diễn gây nghi ngại về các cuộc thầu thiếu công tâm.

Hàng “lụi” liên tiếp thắng thầu

Theo thông tin ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam phản ánh, trong thời gian qua, nhiều thang máy thắng thầu và được lắp đặt tại các bệnh viện không đủ điều kiện an toàn để sử dụng theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn đã ban hành.

Dẫn chứng cụ thể thang máy đang được sử dụng có sai khác về kích thước ca-bin so với quy định cho phép, ông Vũ nêu ba ví dụ tiêu biểu.

Trường hợp đầu tiên là gói thầu thang máy tải khách tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Theo đó, hồ sơ mời thầu gói thầu này nêu yêu cầu hai thang máy tải khách 1.000 kg có diện tích ước tính 3,6 m2 (chiều rộng 1,5m x chiều dài 2,5 m). Với kích thước nêu trên, chủ khảo cuộc thầu là Bệnh viện Nhiệt đới đã yêu cầu diện tích hơn mức quy định cho phép lên tới 50% bởi theo bảng tiêu chuẩn tối đa 2,4 m2. Đặc biệt, cả hai thang máy thắng thầu trong gói thầu này đều không ghi nhận có tem chứng nhận hợp quy.

Theo ông Nguyễn Tấn Vũ, thời gian qua, nhiều thang máy thắng thầu và được lắp đặt tại các bệnh viện không đủ điều kiện an toàn để sử dụng theo các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn đã ban hành.

Tình trạng tương tự diễn ra ở gói thầu thang máy tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang (tỉnh An Giang). Cụ thể, hồ sơ mời thầu yêu câu một thang máy tải khách 1.350 kg có diện tích ước tính 4,0 m2 (chiều rộng 1,5m x chiều dài 2,67m) lớn hơn diện tích cho phép quy định 30% (theo bảng tiêu chuẩn tối đa 3,1 m2). Gói thầu này cũng yêu cầu một thang máy tải bệnh 1.350 kg cũng có diện tích ước tính 4,0 m2 (chiều rộng 1,5m x chiều dài 2,67m) lớn hơn diện tích cho phép quy định 30% (theo bảng tiêu chuẩn tối đa 3,1 m2). Cả 2 thang máy thắng thầu tại gói thầu Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang cũng không hề thấy tem chứng nhận hợp quy.

Trường hợp thứ ba, ông Vũ dẫn chứng là gói thầu cung cấp thang máy cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Tại gói thầu này chủ khảo đưa ra yêu cầu trong hồ sơ mời thầu hai thang máy tải bệnh 750 kg có diện tích ước tính 2,76 m2 (chiều rộng 1,2m x chiều dài 2,3m). Với kích thước này chủ khảo cuộc thầu đã yêu cầu lớn hơn diện tích cho phép quy định 45% (theo bảng tiêu chuẩn tối đa 1,9 m2).

Xung quanh vấn đề này, ông T.T.A (đề nghị không nêu tên), một nhà thầu sản xuất, cung cấp thang máy Việt có trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết quan điểm, hiện nay có những hồ sơ mới thầu thang máy được thiết đặt theo chiều hướng không khách quan làm cho chủ đầu tư không chọn được sản phẩm thang máy chất lượng. Hiện tượng, hồ sơ mời thầu đưa yêu cầu những tiêu chuẩn không phù hợp, không đúng quy chuẩn không còn là là trường hợp cá biệt.

Thực tế này khiến các nhà thầu thang máy kinh doanh đàng hoàng khó có thể chen chân đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng. Việc thang máy không đáp ứng quy chuẩn vẫn len lỏi đấu thầu và thắng thầu dù giá chào thầu cao cần sự vào cuộc rốt áo và nghiêm túc của các cơ quan chức năng nhằm minh bạch thị trường và chấn chỉnh nghiêm ngặt sai phạm nếu có. Ngoài ra, cần “dẹp” tình trạng hồ sơ mời thầu đưa ra những yêu cầu cá biệt, không có tính thực tiễn với dụng ý hạn chế nhà thầu tham gia rộng rãi. Khi nào các cơ quan hữu thực dự vào cuộc mới khắc phục được tình trạng rối loạn thị trường thang máy, nhất là trong hoạt động đấu thầu.

“Chúng tôi rất bức xúc khi một vài nhà thầu được thành lập ra không có bất kỳ thương hiệu hoặc sản phẩm nào ngoài thị trường mà liên tục trúng nhiều gói thầu lớn nhỏ trong các công trình vốn ngân sách với mức giá cao bất thường. Trong khi thang máy là sản phẩm có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, nếu xảy ra tai nạn thì có thể liên quan tới sức khoẻ và tính mạng của con người”, ông T.T.A nói và cho biết đúng ra việc tuyển chọn nhà thầu phải kỹ lưỡng. Không thể lý giải hiện tượng nhà thầu không có thương hiệu, sản phẩm không biết sản xuất hoặc chế tạo tại đâu mà lại có được đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận quốc tế và trúng hàng loạt gói thầu.

Để thông tin khách quan về phản ánh của các nhà thầu đề cập trên đây, trong những ngày cuối tuần trước, phóng viên Báo Đầu tư đã nỗ lực liên lạc với các chủ đầu tư, bên mời thầu 3 gói thầu trên theo số điện thoại được công khai trong Thông báo mời thầu đăng tải trên mạng Đấu thầu Quốc gia (muasamcong.vn). Tuy nhiên, việc kết nối với người hữu trách các đơn vị trên rất khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực kết nối để có quan điểm của các bên liên quan.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Ông Nguyễn Tấn Vũ nêu vấn đề hiện tại các thang máy thắng thầu mà không đạt “quy chuẩn” đều đang được sử dụng thường xuyên để chuyên chở rất nhiều bệnh nhân, thân nhân và cán bộ y bác sĩ của các bệnh viện. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hoặc phòng ngừa thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn về thang máy được quy định rất rõ trong bộ Tiêu chuẩn Quốc Gia TVCN 6396-20:2017. Trong đó yêu cầu về cấu tạo và lắp đặt thang máy chở người và hàng tại phần 20. Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH (ngày 6/12/2018) cũng quy định danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, hiện tượng thang máy đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn “lọt lưới” dành phần thắng trong nhiều cuộc thầu tại các bệnh viện phía Nam vừa qua là điều rất đáng quan ngại”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, cần có chế tài mạnh để siết chặt quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn thang máy nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng, cạnh tranh minh bạch tại các cuộc thầu dùng vốn ngân sách và tìm lại công bằng cho thang máy Việt sản xuất trong nước. 

Lãnh đạo Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam cũng cho biết thêm: trong quá trình tham gia các gói thầu của bệnh viện tại nhiều địa phương, Thiên Nam được đề nghị cung cấp báo giá và lắp đặt các thang máy tải khách, tải bệnh có kích thước phòng thang lớn hơn so với tải trọng cho phép theo Quy chuẩn quốc gia đã ban hành. Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam đã có phản ánh về hồ sơ mời thầu dạng này, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn thiết kế đều không quan tâm và bỏ ngoài tai những khuyến nghị của nhà sản xuất. Đơn cử, mới đây nhất là gói thầu thang máy thuộc dự án Xây dựng mới Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa - Khối A4 Bệnh viện Nhi Đồng 1(TP.HCM).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trong tháng 12/2020, Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam đã gửi 2 văn bản tới các cơ quan hữu trách để phán ánh tình trạng thang máy không đúng quy chuẩn, nhưng vẫn vượt qua các vòng đấu và thắng thầu. Các văn bản này cũng nêu nghi vấn “chủ khảo” các cuộc thầu dùng tiêu chí “không hợp chuẩn” để hạn chế và loại bỏ sự tham gia của các hãng thang máy làm ăn bài bản, đúng quy định, trong đó có không ít thương hiệu thang máy Việt khiến các nhà thầu này khải "chầu rìa" các cuộc đấu thầu cung cấp thang máy cho một loạt bệnh viện.

Cụ thể, Công văn số 077/2020/CV-TN (ngày 12/12/2020) được Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Cục Quản lý đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các cơ quan quản lý tiến hành thanh tra một số gói thầu để chấn chỉnh tình trạng các chủ đầu tư đưa tiêu chí nhằm ưu tiên lựa chọn thang máy, linh kiện nhập khẩu mà không dựa trên đặc tính, yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn làm giá trị trúng thầu lớn hơn rất nhiều so với thực tế khiến phát sinh chi phí đầu tư cho ngân sách và thiếu minh bạch.

Các gói thầu mà Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam kiến nghị thanh tra bao gồm: 2 gói thầu thang máy Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM); gói thầu số 29 (thang máy tải bệnh) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau; gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị thang máy Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh; gói thầu số MS-3 Trung tâm Sâm dược liệu TP.HCM; gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy khối nhà chính của Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang; gói thầu mua sắm thang máy cho Nhà hợp khối và Nhà Điều trị nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên; gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy chuyển bệnh - Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang; gói thầu thay mới 2 thang máy tại tòa nhà 6 tầng Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM.

Còn tại công văn số 080/2020/CV-TN (ngày 18/12/2020) Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam gửi Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM và các tỉnh An Giang, Cà Mau đề nghị thanh tra thiết bị thang máy không đúng Quy chuẩn Quốc gia đối với 3 gói thầu thang máy nổi cộm là các gói thầu tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

“Chúng tôi mong muốn Cục An toàn Lao động trả lời chính thức rõ rằng việc lắp đặt, vận hành thang máy có kích thước phòng thang vượt quá tiêu chuẩn cho phép trên thực tế phản ánh là được phép tiến hành hay không? Các thang máy này có cần được hợp quy trước khi đưa vào sử dụng hoặc có cần điều kiện đặc biệt gì để được cấp phép sử dụng hay không?”, ông Vũ nói.

Tin liên quan
Tin khác