Doanh nhân Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart |
Nền tảng cốt lõi
“Cơn bão” Covid-19 ập đến khiến ngành du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Không có khách du lịch, không có nguồn thu, nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương..., cho dù đó thực sự là sự lựa chọn khó khăn.
Là doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng, hoạt động kinh doanh của Vietnam TravelMart cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, doanh nhân Cao Trí Dũng quyết định vẫn duy trì đội ngũ, chỉ thay đổi phương thức làm việc sang chế độ online. “Công ty không để ai phải nghỉ việc và cố gắng duy trì thu nhập cho người lao động, bởi chính nhân sự sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.
Nguồn lực con người là nền tảng cốt lõi, là mục tiêu mà ông Dũng hướng đến ngay từ khi bắt đầu xây dựng doanh nghiệp. Năm 2013, khi du lịch miền Trung bước vào giai đoạn phát triển mạnh, ông và một số đồng sự quyết định thành lập Vietnam TravelMart.
Thời điểm đó, thị trường du lịch đã định hình nhiều phân khúc. Các “ông lớn” trong ngành lữ hành đều sở hữu “miếng bánh” riêng, nên một thương hiệu lữ hành mới như Vietnam TravelMart không dễ tìm chỗ đứng.
“Vietnam TravelMart khởi đầu với vốn điều lệ chỉ có 3 tỷ đồng, nhưng tôi luôn vững tin vào sự thành công. Nguồn lực lớn nhất của Công ty khi đó, và ngay cả bây giờ, chính là con người - những nhân viên không chỉ có chuyên môn tốt, mà còn tràn đầy nhiệt huyết, luôn nỗ lực ở mức cao nhất, giúp doanh nghiệp đánh giá đúng xu hướng thị trường, nắm bắt cơ hội, tìm kiếm những hướng đi riêng và tạo được sự khác biệt”, ông Dũng tự hào.
Với định hướng như thế, Vietnam TravelMart vừa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hiện có; vừa lựa chọn, tuyển dụng nhiều nhân sự mới phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, kèm theo chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả. Đến cuối năm 2019, Công ty đã có hơn 80 lao động cùng hệ thống chi nhánh, văn phòng đại diện ở hầu hết trung tâm du lịch trên cả nước.
Bản lĩnh tiên phong
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, ông Dũng cùng đội ngũ Vietnam TravelMart dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, xây dựng những sản phẩm mới, độc đáo và có tính tiên phong để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đơn cử, ngay khi thành lập, Công ty đã hình thành sản phẩm du lịch chuyên đề như tour Hành trình di sản, Thiên đường miền Trung… kết nối các điểm đến nổi tiếng của miền Trung.
Vietnam TravelMart cũng là một trong những doanh nghiệp lữ hành tiên phong thuê chuyến bay (charter) để kết nối du lịch giữa các quốc gia. Sản phẩm này đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho Công ty. Ngoài ra, Vietnam TravelMart cũng chiếm ưu thế trong việc bán sản phẩm du lịch tất cả điểm đến của Việt Nam trên hệ thống thương mại điện tử toàn cầu…
Nhờ chú trọng chất lượng dịch vụ, tiên phong trong việc tạo sản phẩm và hình thức du lịch mới, Vietnam TravelMart dần tạo dựng được vị thế. Nhưng, con đường đó không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Ông Dũng kể, Công ty nhiều lần đối mặt với khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.
“Năm 2016 xảy ra sự cố môi trường ở Fomosa. Lúc đó, Công ty bắt đầu thực hiện thuê charter, song vì sự cố đó mà phải hủy hết, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Chúng tôi vừa phải thương lượng với khách để hoàn tiền, chuyển hành trình bay khác; vừa dàn xếp với hãng hàng không để hủy chuyến, làm việc với đối tác và hệ thống cung ứng dịch vụ để giảm thiệt hại…”, ông Dũng nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Nỗ lực vượt qua thử thách, không ngại thử nghiệm những ý tưởng mới, Vietnam TravelMart đã bắt nhịp phát triển. Năm 2017, Công ty trở thành một trong những thương hiệu lữ hành hàng đầu miền Trung, cán mốc doanh thu 420 tỷ đồng vào năm 2019 và lọt top các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Việt Nam.
Trước những khó khăn mà Covid-19 gây ra, ông Dũng vẫn luôn lạc quan nhìn về phía trước. “Du lịch sẽ phát triển trở lại khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, chúng tôi đầu tư vào con người, bồi dưỡng nhân viên, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, rà soát lại hệ thống cung ứng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới…, để sẵn sàng tăng tốc khi thị trường hồi phục”, ông Dũng nói.
Hướng về cộng đồng
Doanh nhân Cao Trí Dũng từng có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Trưởng thành qua nhiều vị trí, từ nhân viên kinh doanh, phát triển thị trường, hướng dẫn viên, tới cương vị quản lý, ông Dũng luôn có cái nhìn bao quát, nhạy bén với thị trường, từ đó hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp đón đầu xu thế.
Năm 2013, quyết định rời vị trí lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch lớn tại Đà Nẵng để về làm giảng viên cơ hữu tại Khoa Du lịch, Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) của ông Dũng khiến nhiều người bất ngờ. “Lúc đó, Khoa Du lịch của Trường đại học Kinh tế vừa được thành lập lại và đề nghị tôi về công tác. Tôi đồng ý ngay, vì từ lâu đã ấp ủ mong muốn truyền tải, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ”, ông Dũng tâm sự.
Với những trải nghiệm, kinh nghiệm phong phú trong nhiều năm hoạt động kinh doanh du lịch, cùng tinh thần nhiệt huyết với thế hệ trẻ, giờ giảng của thầy Cao Trí Dũng luôn thu hút đông đảo sinh viên. Doanh nhân - thầy giáo Cao Trí Dũng luôn chú trọng hướng dẫn kỹ năng, cách tiếp cận thị trường, mang đến cho sinh viên những thực tế muôn màu của ngành du lịch mà sách vở chưa đề cập.
Không những thế, ông còn hướng dẫn nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhận nhiều sinh viên vào làm việc tại Vietnam TravelMart. Ông bảo, đó là nhiệm vụ của những người đi trước, làm sao rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết ở trường học với thực tế, giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn và có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc sau khi ra trường.
Ngoài công việc của một giảng viên, Chủ tịch HĐQT của Vietnam TravelMart, doanh nhân Cao Trí Dũng còn đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng. Với chức năng đại diện cho cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn, cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, vừa có vai trò góp ý chính sách, vừa thể hiện trách nhiệm với điểm đến trong công tác tạo sản phẩm, thu hút đối tác, khách hàng thông qua rất nhiều hoạt động xúc tiến cả trong và ngoài nước, ông Dũng hoạt động như “con thoi”.
Do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, ông Dũng phải làm việc liên tục để nắm số liệu, tập hợp kiến nghị, đề xuất để gửi đến lãnh đạo địa phương; tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động…
“Thời điểm khó khăn hiện nay là lúc Hiệp hội cần thể hiện vai trò của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại; đề xuất giải pháp với Chính phủ và lãnh đạo Thành phố; tính toán kế hoạch để doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng còn tổ chức quyên góp được hơn 140 triệu đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng cùng cả nước chiến thắng đại dịch toàn cầu này. Tôi tin rằng, với tiềm năng du lịch phong phú của miền Trung cũng như cả nước, ngành du lịch sẽ nhanh chóng phát triển trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế. Đứng vững và vượt qua được khó khăn, chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, doanh nhân Cao Trí Dũng tin tưởng.
Điều gì giúp ông luôn có những ý tưởng mới?
Đó là không ngừng học hỏi và tiếp cận kiến thức mới. Kiến thức được tích lũy qua nhiều năm giúp chúng ta có đủ kinh nghiệm để đánh giá về xu thế phát triển, nhận ra các cơ hội kinh doanh, biến cơ hội đó thành phương án kinh doanh hiệu quả.
Đảm nhận nhiều chức vụ, làm sao ông có thể hoàn thành tốt tất cả công việc?
Với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng ta có thể làm việc ở mọi nơi mà vẫn đảm bảo hiệu quả, song điều quan trọng là phải biết điều tiết công việc.
Ông cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào?
Tôi giữ thói quen chơi thể thao, đi mua sắm hay đi du lịch với gia đình sau khi làm việc. Với tôi, thời gian cho gia đình là ưu tiên.