Doanh nhân Thân Đức Việt . |
Áp lực của người thuyền trưởng
Nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 từ tháng 4/2019, ông Thân Đức Việt chịu không ít áp lực, mà áp lực đầu tiên, như lời ông chia sẻ, chính là sự điều hành thành công của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Trọng trách đặt lên vai người thuyền trưởng vì thế không dừng lại ở việc giữ vững thương hiệu May 10 và văn hóa doanh nghiệp đã được gây dựng hơn 70 năm, mà còn phải đưa Tổng công ty hướng tới những cột mốc phát triển mới.
Trong khi đó, bối cảnh thị trường dệt may trong và ngoài nước, với những yếu tố chủ quan và khách quan, đặt ra hàng loạt thử thách với ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Ở mảng xuất khẩu, 2019 là một năm ghi nhận sự biến động lớn của thị trường, trong đó có cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.
Những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm cho thị trường lúc nóng, lúc lạnh. Hơn 20 năm gắn bó với ngành dệt may, ông Việt từng chứng kiến nhiều biến động của thị trường thế giới, nhưng riêng năm 2019, thị trường không theo quy luật. Có những tháng thấp điểm, thị trường cũng bị nóng lên, doanh nghiệp không kịp sản xuất, nhưng ngược lại, có những tháng vốn được coi là cao điểm, thì lại không có đơn hàng.
Những diễn biến đó khiến cho việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khó càng thêm khó, nhất là với những người mới đảm nhận trọng trách như ông.
Thị trường xuất khẩu bất ổn, khó đoán định, khiến mục tiêu xuất khẩu năm 2019 của toàn ngành hụt hơi 1 tỷ USD (chỉ đạt 39 tỷ USD, thay vì 40 tỷ USD như mục tiêu). Còn tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp nội cũng bước vào cuộc đua khốc liệt với các hãng thời trang ngoại tên tuổi như Zara, Uniqlo, HM… để giành lại “miếng bánh” thị phần ngay trên “sân nhà”.
Không những thế, May 10 còn đối mặt với bài toán cạnh tranh lao động, khi các ngành dịch vụ, điện tử, da giày… đều đẩy nhanh tốc độ mở rộng sản xuất và đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân sự. Về phía đối tác, nhiều đối tác của May 10 cũng bước vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo, dẫn đến xáo trộn về nguồn nhân lực, về tổ chức và chiến lược hợp tác kinh doanh.
Thách thức bủa vây, song kết thúc năm 2019, May 10 đã hoàn thành vượt mục tiêu 5%, tăng trưởng 11% so với năm trước. Kết quả này tạm khiến ông Việt thở phào.
Văn hóa doanh nghiệp là gốc rễ
Yếu tố nào đã giúp May 10 đi qua những khó khăn, biến động của thị trường mà vẫn “trong ấm, ngoài êm”, tránh được những xáo trộn khi chuyển giao lãnh đạo, thường xảy ra tại không ít doanh nghiệp?
Đáp lại thắc mắc này, ông Việt bảo, nét nổi trội và cũng là nền tảng vững vàng nhất giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 không những cán đích thành công, mà còn vượt chỉ tiêu đặt ra, xóa tan những tâm tư khi chuyển giao lãnh đạo, chính là văn hóa kỷ luật theo tinh thần quân đội.
“Người May 10 rất kỷ luật trong mọi hoạt động. Kỷ luật trong sản xuất, kinh doanh là đương nhiên, nhưng ngay cả trong văn hóa ứng xử, văn hóa tổ chức, tinh thần này cũng được giữ vững. Đơn cử, hoạt động chào cờ vào thứ Hai hằng tuần đã được Tổng công ty duy trì 10 năm nay; từ hoạt động phong trào, hay những cuộc vui chơi của cán bộ, công nhân viên, văn hóa kỷ luật cũng thể hiện rất rõ”, ông Việt tự hào.
Điều đáng nói là, kỷ luật đó không làm cho người ta cứng nhắc, trái lại, nó “ngấm vào máu” mỗi cán bộ, công nhân viên May 10 một cách tự nhiên. Ít ai biết, tại May 10, có những gia đình có đến 3 - 4 thế hệ cùng làm việc và cống hiến. Hơn 12.000 người lao động tại 18 xí nghiệp trực thuộc Tổng công ty đã được rèn tác phong, luôn giữ đoàn kết nội bộ và đó là nền tảng cho mọi thành công của doanh nghiệp.
Để có được sự gắn kết đó, cần một “thỏi nam châm” đủ sức hút. Tương tự, để duy trì được tinh thần - văn hóa kỷ luật trong một tập thể hơn chục ngàn lao động, cần một người đứng đầu nêu gương và có nghệ thuật lãnh đạo, đủ tâm, đủ tầm.
Dẫu vậy, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Việt nhiều lần nhấn mạnh rằng, những thành công của doanh nghiệp không phải do một cá nhân. “Đó là thành công của tập thể. Nền tảng văn hóa của May 10 xuất phát từ công tác đào tạo cán bộ nguồn mà các thế hệ lãnh đạo trước đó đã dày công gây dựng. Chính sự tin tưởng của lãnh đạo tiền nhiệm và toàn thể cán bộ, công nhân viên đã thôi thúc tôi phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”, ông Việt chia sẻ.
Phía sau 12.000 cán bộ, công nhân viên là biết bao gia đình, nên với ông Việt, nhiệm vụ cao cả nhất của Ban lãnh đạo May 10, là phải điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt nhất, để doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và để đời sống mỗi thành viên ngày một nâng lên.
Đến nay, May 10 vẫn duy trì được hệ thống trường mầm non, bệnh viện, ký túc xá để phục vụ người lao động. Trong ngành dệt may, không nhiều doanh nghiệp mở được trường mầm non quy mô 300 trẻ, có thể nhận trẻ từ 6 tháng tuổi và trả trẻ theo giờ làm của cha mẹ, để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Phòng khám đa khoa của May 10 tương đương một bệnh viện cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Tổng công ty còn duy trì hiệu quả Trường cao đẳng Dạy nghề Long Biên, đáp ứng nguồn lao động có tay nghề cho chính doanh nghiệp và các đơn vị thành viên.
8 tháng “ngồi ghế nóng”
Trong gần 8 tháng qua, cuộc sống của ông Việt bị xáo trộn khá nhiều, quỹ thời gian gần như chỉ dành cho công việc. Tiếp nhận “ghế nóng” giữa lúc thị trường nhiều biến động, đối mặt với áp lực tăng chi phí, phải cắt giảm lao động gián tiếp, cắt giảm những khoản chi phí không tạo ra giá trị, vừa để tiết kiệm, vừa để nâng cao hiệu quả hoạt động..., ông Việt đã phải tính toán thận trọng và linh hoạt trong từng “nước cờ”.
22 năm công tác tại May 10, ông Việt đã được thử sức ở nhiều vị trí, phòng ban, khởi đầu là nhân viên Phòng Chuẩn bị sản xuất (năm 1997), đến Phòng Kế hoạch xuất nhập khẩu, bộ phận kinh doanh hàng FOB, marketing… Năm 2009, ông giữ cương vị Giám đốc điều hành và năm 2013, đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc. Ở cương vị nào, ông Việt cũng chứng minh được mình là người có nhiệt huyết và năng lực.
Trong gia đình ông Việt, cả bố, mẹ và anh trai đều làm nghề may. Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, ông từng nghĩ sẽ chọn một hướng đi khác, không giống như bố, mẹ. Nhưng cuối cùng, nghề đã chọn người và ông Việt gọi đó là duyên phận.
“Hơn 2 thập kỷ gắn bó với May 10, tôi đã nhận được từ nơi đây rất nhiều điều tốt đẹp. Trước thời điểm nhận chuyển giao, tôi đã trăn trở rất nhiều, thậm chí có đôi chút lo ngại về khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị mới. Sự ủng hộ, động viên của lãnh đạo Tập đoàn Dệt may, Ban Giám đốc May 10 cùng tập thể người lao động chính là động lực để tôi tự tin gánh vác trọng trách”, ông Việt bộc bạch.
Ông tâm niệm, mình trưởng thành được đến hôm nay cũng là nhờ May 10, nên sẽ cố gắng hết sức để làm những điều tốt nhất cho doanh nghiệp. Đó chính là cách để tri ân “đại gia đình May 10”, từ lãnh đạo cấp cao tới người lao động.