Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2019 ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đối thoại Shangri-La năm 2021 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh tổ chức. Trước đó, sự kiện này dự kiến diễn ra trong hai ngày 4-5/6.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La thường thu hút sự tham gia của các quan chức quân sự cấp cao, nhà ngoại giao, và nhà sản xuất vũ khí trên thế giới.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đánh giá, tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu gần đây diễn biến xấu đi, cùng với sự xuất hiện thêm các biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh hơn.
"Tại Singapore, số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch mới và không loại trừ khả năng thắt chặt hơn nữa, tất cả đều tạo ra những bất định", Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.
"Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy việc tổ chức Đối thoại Shangri-La trực tiếp trong năm nay trở nên khó khả thi", Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói.
Trong những ngày gần đây, Singapore đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất kể từ khi nước này gỡ bỏ lệnh phong tỏa vào năm ngoái.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đưa ra quyết định hủy tổ chức Đối thoại Shangri-La 3 ngày sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hủy cuộc họp thường niên dự kiến tổ chức tại Singapore trong năm nay.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế sẽ lên kế hoạch tổ chức Đối thoại Shangri-La trực tiếp vào giữa năm sau. Trước đó, Đối thoại Shangri-La năm 2020 cũng bị hủy bỏ do đại dịch.
Bộ Quốc phòng Singapore cho biết họ ủng hộ quyết định hủy bỏ tổ chức Đối thoại Shangri-La năm 2021. "Việc hủy bỏ Đối thoại Shangri-La không phản ánh sự suy giảm trong cam kết đối thoại và tham gia nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở châu Á và hơn thế nữa", Bộ Quốc phòng Singapore cho biết.
Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thêm, cơ quan này sẽ "tìm ra những biện pháp thay thế và an toàn hơn cho những mục tiêu quan trọng này".