Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được xây dựng và hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển cho khu vực. Trong ảnh: Phối cảnh tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh |
Rút ngắn lộ trình đầu tư
Giai đoạn này, phần lớn thời gian làm việc của ông Lê Minh Nam, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là ở Lai Châu, Yên Bái - nơi triển khai Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc - để kịp gỡ những vướng mắc mới nảy sinh liên quan đến nguồn vật liệu, mặt bằng sau khi công trình được kích hoạt trên thực địa vào tháng 12/2021.
Với tổng mức đầu tư 5.339,591 tỷ đồng (235,328 triệu USD), Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc là công trình hạ tầng đường bộ sử dụng vốn vay ODA có quy mô vốn lớn nhất được Bộ GTVT triển khai tại Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ kể từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khánh thành vào năm 2014.
Đúng với tên gọi của công trình, Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ có mục tiêu rút ngắn hành trình từ Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương lân cận về Thủ đô Hà Nội thông qua việc kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Phạm vi đầu tư của dự án này bao gồm tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 147 km, quy mô cấp 3 miền núi; tuyến kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 53 km, đường cấp 4 miền núi.
Tính đến giữa tháng 8/2022, Ban Quản lý dự án 2 đã khởi công 5/11 gói thầu xây lắp và đang đẩy nhanh tiến độ để có thể triển khai thi công toàn bộ các gói thầu vào cuối quý III/2022. Áp lực đối với Ban Quản lý dự án 2 tại dự án này là tuyến trải dài trên địa bàn rất rộng, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phải triển khai lồng ghép với các chương trình phục hồi thu nhập và nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, nạn buôn bán người, theo yêu cầu của nhà tài trợ.
“Chúng tôi được yêu cầu bám sát công trường để hỗ trợ các nhà thầu tăng tốc, bù vào phần chậm tiến độ của giai đoạn chuẩn bị đầu tư bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kịp hoàn thành công trình vào cuối năm 2024”, ông Lê Minh Nam cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không cũng được Bộ GTVT phối hợp với 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ triển khai sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.
Cụ thể, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND tỉnh Sơn La về việc kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ngay trong giai đoạn 2020 -2025, đồng thời giao tỉnh này quản lý, tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Nà Sản để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư nâng cấp.
“Thủ tướng Chính phủ đã giao một số địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án cảng hàng không trên địa bàn theo phương thức PPP. Đây là tiền lệ để giao các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc chủ động kêu gọi đầu tư sớm các công trình hạ tầng hàng không đã được xác định trong quy hoạch”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Đối với các dự án hạ tầng khác, Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ địa phương đầu tư sớm hơn, ngay trong giai đoạn 2022 - 2025 thông qua phương thức PPP thay vì chờ đợi vốn trung ương.
Hình thành những hành lang kinh tế lớn
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, một thuận lợi lớn cho phát triển hạ tầng giao thông các địa phương, trong đó có các tỉnh thuộc Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là hiện có tới 4/5 quy hoạch quốc gia về GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một trong những điểm mới trong các quy hoạch này là việc Chính phủ đã chỉ đạo thay đổi tư duy phân bổ nguồn lực tránh dàn trải, lãng phí, tập trung toàn bộ nguồn lực đầu tư công, huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư những công trình có tính chất lan tỏa, liên vùng, hình thành kết nối khu vực để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng.
Đối với Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, ngoài việc đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ trong vùng hiện có để bảo đảm tính đồng bộ, trong 5 - 10 năm tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương nhằm hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông kết nối với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; với Thủ đô Hà Nội và cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trong giai đoạn 2020 - 2030, Bộ GTVT ưu tiên đầu tư các dự án hình thành các hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội (tham gia hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng); Lai Châu - Lào Cai - Việt Trì - Hà Nội (tham gia hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội (tham gia hành lang kinh tế Trùng Khánh - Quý Châu - Bách Sắc - Cao Bằng - Hà Nội - Hải Phòng).
Đây cũng là những nội dung quy hoạch hạ tầng giao thông khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ được đề cập trong hợp phần quy hoạch lĩnh vực giao thông thuộc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vào đầu tháng 8/2022, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/BCSĐ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW. Theo đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu thực hiện tốt vai trò của bộ chuyên ngành trong phối hợp triển khai chuẩn bị và thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, sân bay, đường thủy gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững.
Trong giai đoạn đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn; tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai, một số tuyến quốc lộ; cải tạo, nâng cấp một số ga hàng hóa...
Bộ GTVT sẽ cử đầu mối có năng lực hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai đầu tư các tuyến cao tốc, tiền cao tốc: Hữu Nghị - Chi Lăng, Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang; các cảng hàng không Sa Pa, Điện Biên, Nà Sản; các cảng cạn; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện; hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn...
Trong giai đoạn đến năm 2030, Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc: Cổ Tiết - Chợ Bến; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nghiên cứu triển khai đầu tư các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng; nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; nghiên cứu bổ sung cảng cạn trên một số hành lang vận tải để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao hiệu quả khai thác của dịch vụ logistics.
Bộ GTVT cũng cam kết phối hợp, hỗ trợ địa phương hoàn thành đầu tư các tuyến cao tốc, tiền cao tốc: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có nhu cầu vận tải cao (Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình...); các cảng hàng không: Nà Sản, Lai Châu...
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn cho các dự án giao thông nói trên có thể lên tới 10 - 15 tỷ USD. Quy mô đầu tư này được đánh giá là có thể thay đổi diện mạo, chất lượng hạ tầng Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Để giải bài toán vốn cho các dự án, Bộ GTVT cho biết, sẽ ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách nhà nước, tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng; huy động vốn tư nhân đầu tư các sân bay (Nà Sản, Lai Châu), các cảng cạn, cảng thủy nội địa gắn với trung tâm logistics.
“Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng; tiếp tục kêu gọi đầu tư PPP, đầu tư các tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, các ga trên tuyến”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.