Mạnh tay gỡ bỏ tin giả
Cuộc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm… của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo của Bộ TT&TT gửi Quốc hội cho biết, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm; gỡ bỏ các hội nhóm, group có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật về các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (đạt tỷ lệ 92%). Ngoài ra, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.
Còn Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube (đạt tỷ lệ 94%). Ngoài ra, chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam là Kênh nóng TV và Chính sự TV.
Đối với TikTok, đã yêu cầu mạng xã hội này chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 95%). Trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã công bố kết luận kiểm tra số 08/KL-BTTTT về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trong đó chỉ ra các sai phạm và yêu cầu mạng xã hội này có giải pháp khắc phục.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 7-8/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, về mặt quản lý mạng xã hội xuyên biên giới, Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với các nước khác. Năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về tháo gỡ thông tin xấu độc chỉ đạt 10 - 20%; đến năm 2023, tỷ lệ đã đạt 90 - 95%. Năm 2018, tỷ lệ thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có những lúc là 70%, bây giờ rất thấp, xung quanh mức 10%.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Để tiếp tục tăng tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đang hoàn thiện các quy định pháp luật yêu cầu các mạng xã hội phải có trách nhiệm tự rà quét, tự tháo gỡ. Bất kỳ mạng xã hội nào hoạt động ở Việt Nam cũng phải có cơ chế là nhận phản ánh của người dân, chính quyền các cấp để thực hiện tháo gỡ. Bộ đã thành lập một trung tâm về giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, tự rà quét và tự tháo gỡ. Gần đây, Bộ thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc ở mức quốc gia và sắp tới sẽ ban hành quy định về việc các địa phương phải có trung tâm này để hỗ trợ người dân.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT xây dựng và hoàn thiện Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Trong đó, tập trung bổ sung, sửa đổi nhiều quy định để quản lý nền tảng xuyên biên giới, tên miền, nội dung thông tin trên không gian mạng và bổ sung những quy định như: yêu cầu các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải xác thực người dùng và cung cấp thông tin xác thực người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu; chỉ các tài khoản đã được xác thực (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream; chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm về việc xác thực người dùng, quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Quy định về chặn, gỡ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ… Dự kiến, trong tháng 11 hoặc tháng 12/2023, Chính phủ sẽ ban hành nghị định này.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét, ban hành Chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng. Bộ TT&TT cho biết, sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Bộ y tế... để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đáp ứng ở mức cao các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự một số vụ việc mang tính xâm hại. Những vụ việc xử lý một cách nghiêm minh sẽ mang tính răn đe rất cao. Cũng không thể không nói đến việc căn cơ là xây dựng văn hóa số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là TikTok, từ đó đề xuất những giải pháp triển khai tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ TT&TT đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao (93,7%). Tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam.