Thời sự
Đợt cổ phần hóa lớn nhất từ trước tới nay
Anh Minh - 29/03/2013 14:10
Quá trình sắp xếp doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải (GTVT) đang được rốt ráo thực hiện, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình thông qua tái cơ cấu, cổ phần hoá.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, sẽ cổ phần hóa 33 công ty con; phá sản 3 công ty xây lắp và một số đơn vị thuộc Vinalines và Vinashin.

Lợi nhuận mỏng, lỗ cực sâu

Kết quả kinh doanh “bê bết” của nhiều “anh cả đỏ” trong lĩnh vực xây dựng, vận tải được công bố tại Hội nghị Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ GTVT được tổ chức giữa tuần này, khiến không ít người phải giật mình.

Theo Báo cáo của Vụ Tài chính (Bộ GTVT), cùng với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) – hiện đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang ôm những khoản thua lỗ cực lớn. Trong đó, nếu hạch toán đầy đủ, khoản lỗ của công ty mẹ thuộc Vinalines trong năm 2012 có thể vượt con số 2.439 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp ngành GTVT phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay. Ảnh: Đ.T

“Từ nay đến năm 2015, Vinalines sẽ tiếp tục lỗ sâu hơn nữa, nếu tình hình vận tải biển không sớm phục hồi và hãng không được các tổ chức tín dụng cho khoanh, giãn các khoản nợ mua, đóng tàu”, ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Vinalines đánh giá.

Hai tổng công ty 91 ngành giao thông còn lại là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tuy công bố lãi, nhưng hiệu quả kinh doanh rất hạn chế, với tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu năm 2012 không quá 1%.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của khối tổng công ty 90 hoạt động trong lĩnh vực xây lắp thậm chí còn khó khăn hơn. Ngoại trừ Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) công bố lãi, 6 Cienco còn lại đều chấp chới giữa lỗ và lãi, tùy theo cách hạch toán. Điều đáng lo ngại là, Cienco 8 và Tổng công ty Xây dựng đường thủy đang nằm trong nhóm có nguy cơ phá sản.

“Bên cạnh Công ty mẹ lỗ tiềm ẩn khoảng 500 tỷ đồng/501 tỷ đồng vốn điều lệ; hai đơn vị thành viên của Cienco 8 cũng đã mất hết vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn 50 tỷ đồng/mỗi công ty”, bà Đào Thanh Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết.

Đối với Tổng công ty Cơ khí GTVT (Vinamotor), dù Công ty mẹ vẫn báo lãi 1,1 tỷ đồng trong năm 2012, nhưng nếu trích lập đủ các khoản dự phòng, thì đơn vị này sẽ lỗ khá sâu.

Tình hình kinh doanh bê bết khiến đời sống, việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, trong ngành đang có tới 7.039 lao động thiếu việc làm, chiếm 8% tổng số lao động. Hiện các doanh nghiệp giao thông đang nợ người lao động 204 tỷ đồng tiền lương và 223 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

Tự cứu qua tái cơ cấu, cổ phần hóa

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, năm 2013, Bộ GTVT sẽ tiến hành một đợt tái cơ cấu lớn nhất từ trước tới nay, với 33 công ty con thuộc các tổng công ty tiến hành cổ phần hoá, phá sản 3 công ty xây lắp và một số đơn vị thuộc Vinalines và Vinashin.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong kế hoạch cổ phần hóa của Bộ GTVT năm 2013 là, có tới 10 tổng công ty 90 phải cổ phần hóa xong công ty mẹ trong năm 2013, gồm: Cienco 1, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Vận tải thủy, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT.

Đây là các đơn vị không được phép lùi tiến độ sắp xếp, bởi trước đó, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã có nghị quyết khẳng định: lãnh đạo các đơn vị này nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa theo kế hoạch sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm việc điều chuyển công tác.

Trong khối các tổng công ty 91, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2013.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), hầu hết các đơn vị thuộc diện cổ phần hoá trong năm nay đều là những “khúc xương” khó nuốt, do tài chính xấu, nợ tồn đọng kéo dài.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ GTVT sẽ làm rốt ráo công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, bởi nếu lỡ “chuyến tàu” cổ phần hóa, tái cơ cấu trong 1 - 2 năm tới, các doanh nghiệp ngành sẽ khó có thể tồn tại và phát triển bền vững.

“Việc Vietnam Airlines – một doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, có tính đặc thù cao đang bám sát lộ trình cổ phần hóa đề ra cho thấy, nếu lãnh đạo các đơn vị quyết tâm thực hiện, thì sẽ sớm tìm ra con đường đổi mới, tái cơ cấu”, ông Thăng khẳng định.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian tới, cùng với việc rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, Bộ sẽ tích cực làm việc với Công ty Mua bán nợ quốc gia để xử lý các khoản nợ xấu giúp các doanh nghiệp cổ phần hóa.

“Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình thông qua con đường tái cơ cấu, cổ phần hóa một cách thực chất, chứ không phải là mang tính chống đối theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ”, ông Thăng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác