Kỳ II: Để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Đến nay, đơn vị này đang tài trợ nguồn vốn cho khoảng 1.300 người già, phụ nữ nghèo neo đơn, người hạn chế về sức khoẻ tại thị Nghi Sơn (Thanh Hoá) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Dự án đậm tính nhân văn
Những năm qua, Cty TNHH Lọc hóa dầu nghi Sơn đã không ngừng nỗ lực xây dựng các khu tái định cư (TĐC), hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có bằng cấp, đang trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đặc biệt quan tâm đến việc tái thiết cuộc sống cho bà con bị ảnh hưởng bởi dự án của họ; không để những người yếu thế, người không còn trong độ tuổi lao động hoặc sức khỏe hạn chế tụt lại phía sau. Lọc hoá dầu Nghi Sơn rất cẩn trọng, chuyên nghiệp trong việc phân loại, sắp xếp ngành nghề cũng như hỗ trợ cho người dân, góp phần giúp họ tự chăm lo được cuộc sống của mình.
Bà Vũ Thị Mược, 86 tuổi (ngồi giữa) là thành viên CLB số 1 Sơn Thắng, phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn) được các tình nguyện viên đến chăm sóc, giúp đỡ việc nhà 2 lần/tuần. |
Cụ thể, cách đây 5 năm về trước, vào năm 2016, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn quyết định triển khai dự án Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (viết tắt là CLB) dựa trên mô hình của Tổ chức HelpAge International (Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế, viết tắt là H.A.I). Việc triển khai dự án này là nhằm mục đích góp phần giúp người dân nhường đất cho dự án, đặc biệt là người cao tuổi, người lao động trung tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe hạn chế tự phục hồi sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân.
Đối tượng thụ hưởng là người dân ở 22 thôn nhường đất cho dự án thuộc 4 xã là Hải Yến, Mai Lâm, Tĩnh Hải, Nguyên Bình. Lọc hoá dầu Nghi Sơn hợp tác với H.A.I thành lập 25 CLB với khoảng 1.300 thành viên cùng gia đình họ được tham gia hưởng lợi từ dự án. Từ việc phối hợp chặt chẽ với H.A.I, chính quyền địa phương và Hội người cao tuổi các cấp, những CLB này đã nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cộng đồng.
Dự án hướng tới cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người thiệt thòi trong xã hội. Số vốn Lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư không hoàn lại ban đầu cho quỹ vốn vay của các CLB là 2,7 tỷ đồng. Toàn bộ 25 CLB đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, mang lại lợi ích cho người dân, nâng cao lợi ích vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng. Từ đó cải thiện thu nhập, sức khỏe và giúp các thành viên được hưởng lợi từ các dịch vụ và phát triển kinh tế. Mô hình được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt.
Đến thời điểm này, có 1.433 người thuộc các đối tượng là thành viên CLB, tăng 98 thành viên so với thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Bên cạnh đó, tổng số vốn thực hiện dự án này cũng được tăng lên trên 3,4 tỷ đồng. Khi sinh hoạt tại CLB, thành viên được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; được giới thiệu các ngành nghề phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi, điều kiện kinh tế.
Đặc biệt, các thành viên được vay vốn để kích cầu tăng gia sản xuất, buôn bán, tăng thu nhập; được kiểm tra sức khỏe định kỳ; sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày… Đây là mô hình mang tính nhân văn, tạo sự lan toả và tác động tích cực trong xã hội, khi mà Nghi Sơn đang tăng tốc để sớm trở thành một đô thị ven biển trọng điểm của cả nước.
25 CLB tại Nghi Sơn đồng diễn các bài tập dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe |
Ông Ngô Nam Anh, Trưởng nhóm quan hệ cộng đồng, Phòng Xã hội cộng đồng, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết: Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã và đang nỗ lực, sát cánh cùng người dân các xã bị ảnh hưởng, nhằm góp phần giúp bà con cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua nhiều dự án đầu tư xã hội chiến lược và các hoạt động khác. CLB là mô hình nhân văn, có tác động toàn diện tới cộng đồng, từ giúp các thành viên phát triển kinh tế, cải thiện sức khỏe, nâng cao nhận thức tới việc nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy sự đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các thành viên, các thế hệ, gắn kết tình làng nghĩa xóm...
Với sự hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian qua, các CLB có thể vận hành một cách bền vững, hiệu quả sau khi được chuyển giao sang cho chính quyền các cấp quản lý. “Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, Hội người cao tuổi các cấp và sự nỗ lực của các CLB, chúng tôi tin rằng các CLB sẽ ngày càng phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho bà con, cộng đồng”, ông Nam Anh chia sẻ thêm.
Ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ghi nhận: “Tại những địa bàn có CLB, tôi chứng kiến sự thay đổi tích cực trong đời sống của người dân, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội”.
Hàng nghìn người được hỗ trợ sinh kế
Hiện, 25 CLB hoạt động ổn định, hiệu quả, giúp hơn 1.000 lượt thành viên được vay vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo. Nhiều gương điển hình đã vươn lên thay đổi cuộc sống, đồng thời lan tỏa ra cộng đồng.
Ông Nguyễn Bá Trung, 70 tuổi, thành viên CLB thôn Trung Yến, phường Hải Yến tâm sự: Sau khi được tập huấn về phương pháp làm giá, rau mầm theo công nghệ của Thái Lan, ông đã nhanh chóng tập làm, áp dụng vào thực tiễn. Nhờ sự miệt mài, chăm chỉ, đến nay ông Trung đã đạt được thành công trong nghề làm giá đỗ.
“Tôi đấu mối với hơn chục nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, ký hợp đồng cung cấp rau cho các trường mầm non, mang về nguồn thu ổn định 4-5 triệu đồng/tháng”, ông Trung hồ hởi kể. Đây thực sự là mức thu nhập không hề nhỏ đối với mô hình có mức đầu tư thấp; đặc biệt không cần đất, dễ học dễ làm và phù hợp với người cao tuổi, người có điều kiện kinh tế hoặc sức khỏe hạn chế.
Ông Nguyễn Bá Trung thành công với “nghề làm giá” đỗ theo công nghệ Thái Lan |
Điều đáng quý, từ những thành công của mình, ông Trung đã hướng dẫn cho rất nhiều người cả trong và ngoài CLB về mô hình làm giá đỗ, rau mầm. Dù nắng, dù mưa, cứ có người quan tâm là ông tận tình hướng dẫn, thậm chí qua tận nhà, hỗ trợ mua đỗ giống, dụng cụ và bao tiêu nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu. Ông Trung khẳng định: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi từ dự án các mô hình sinh kế mới để đa dạng hóa mặt hàng như cách làm giá từ đậu nành và rau mầm củ cải. Các sản phẩm này rất được ưa chuộng tại các nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản trên địa bàn vì có hàm lượng dinh dưỡng cao”.
Giờ đây, khi đến thăm bất kì CLB nào trong Nghi Sơn, không khó để gặp những mô hình tăng thu nhập thành công như: ông Nguyễn Bá Trung làm giá đỗ theo công nghệ Thái Lan, bà Đậu Thị Thu nuôi gà thương phẩm, ông Bùi Ngọc Đức nuôi chim bồ câu Pháp… Từ những đồng vốn vay ban đầu của CLB khoảng 5-7 triệu đồng, cùng sự hỗ trợ về kĩ thuật, đến nay hàng trăm mô hình làm kinh tế giỏi của những thành viên trong CLB đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định. Quan trọng hơn, từ những thành công của mình, họ luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm đối với những hoàn cảnh tương tự. Qua đó giúp các thành viên cùng nhau phấn đấu để thoát nghèo, nâng cao thu nhập, tạo thành phong trào sống vui, sống khoẻ, sống có ích trong cộng đồng những người yếu thế.
Đại diện Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẳng định: Lọc hoá dầu Nghi Sơn triển khai các chương trình đầu tư xã hội nhằm giúp cộng đồng thích nghi với những thay đổi đang diễn ra tại địa phương. Trong khuôn khổ các chương trình này đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án phục hồi hoặc chuyển đổi sinh kế như: Dự án đào tạo nghề, xây dựng năng lực kinh doanh, truyền thông về sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ nông nghiệp quy mô nhỏ.
Đặc biệt, dự án CLB sẽ mang tính bền vững bởi CLB sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho cộng đồng, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Đặc biệt, không chỉ các thành viên CLB mà cả những người dân tại cộng đồng cần hỗ trợ trong việc phục hồi sinh kế cũng có thể được giúp đỡ thông qua dự án.
Ông Ngô Nam Anh, Trưởng nhóm quan hệ cộng đồng, Phòng Xã hội cộng đồng, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nói: “Đây sẽ là dự án mở và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì thế, chúng tôi khuyến khích bà con tận dụng chương trình hỗ trợ phục hồi sinh kế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, học hỏi kỹ năng, nâng cao nhận thức để hỗ trợ chính bản thân gia đình và cộng đồng”.