Bài 2: NHỮNG VĂN BẢN TÙY TIỆN PHÙ PHÉP DỰ ÁN
Sau hơn 10 năm triển khai, đã xuất hiện những câu hỏi khó cho Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy và tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Hưng - Yên Duyên của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng.
Việc được phê duyệt một đằng, nhưng làm một nẻo, thu hồi đất sai vị trí, sai đối tượng là những vấn đề cần được làm rõ. Không chỉ dừng lại ở đó, Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (Dự án) với quy mô gần 500 tỷ đồng, nhưng lại được chấp thuận điều chỉnh từ các văn bản của Văn phòng UBND TP. Hà Nội. Chính sự điều chỉnh đó đã khiến Dự án thêm nhiều điều thiếu minh bạch.
Dự án trùm lên cả diện tích được quy hoạch đất ở đô thị mà người dân sinh sống lâu nay. Ảnh: K.Đ |
“Ăn bớt” thủ tục pháp lý: Biến dự án phúc lợi thành dự án BT
Quy hoạch chi tiết Dự án với giá trị đầu tư được dự toán là gần 500 tỷ đồng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt bằng công văn của Văn phòng UBND Thành phố.
Đối chiếu việc làm của UBND quận Hai Bà Trưng với hồ sơ dự án, có thể thấy sự tùy tiện trong thủ tục hành chính. Trên thực tế, toàn bộ quá trình thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đất đai của Dự án từ đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng đều được UBND Thành phố thông qua bằng văn bản “chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề xuất”.
Chẳng hạn, tại Công văn 3307/UBND - GT, ngày 21/11/2008 do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi ký ủy quyền cho quận Hai Bà Trưng phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 Dự án cũng được “chấp thuận về mặt nguyên tắc”; Tiếp theo là “Đồng ý về chủ trương, nguyên tắc, cho phép đối với kiến nghị của UBND quận” (Văn bản số: 9236/UBND - XDGT, ngày 25/11/2014); Hoặc sự đồng thuận của UBND Thành phố dưới dạng thông báo của Chánh văn phòng UBND Thành phố.
Cần phải nhắc lại, theo Quyết định 48/2006/QĐ - UB, ngày 11/4/2006 của UBND TP. Hà Nội, thì sau khi có những thay đổi, điều chỉnh, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ phải trình lên và UBND TP. Hà Nội tiến hành thẩm định, lập hội đồng phê duyệt quy hoạch và ban hành quyết định công nhận thì mới có hiệu lực pháp lý. Xin được trích nguyên văn quy trình này tại Quyết định 48/2006/QĐ - UB: “Việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch lập quy hoạch chi tiết được thực hiện khi cần thiết và do UBND Thành phố quyết định”.
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Thịnh, khi đó là Phó chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã 2 lần ra văn bản với tư cách thừa lệnh Chánh văn phòng UBND để chấp thuận những thay đổi do UBND quận Hai Bà Trưng đề xuất (Văn bản số 3068/VP - QHXDGT, ngày 19/7/2013 và Văn bản 5049/VP - QHXDGT ngày 17/9/2013 của Văn phòng UBND TP. Hà Nội).
Ông Trương Vĩnh Khang, một người dân tổ 18E (phường Vĩnh Tuy) cho biết, khi bị chất vấn về cơ sở pháp lý khi ban hành các văn bản này, UBND quận Hai Bà Trưng đã cho rằng, việc UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án là căn cứ pháp lý để ra Thông báo thu hồi đất số 111/TB - UBND, ngày 13/3/2017.
“Các văn bản được ban hành không tuân theo quy định nào của pháp luật”, ông Khang nói.
Hơn thế, theo phản ánh của người dân sở tại, quá trình lập và duyệt quy hoạch Dự án không thể hiện việc lấy ý kiến nhân dân, những người liên quan trực tiếp đến Dự án, trong khi, đây là thủ tục bắt buộc.
Ông Phạm Khắc Miễn, Tổ trưởng tổ dân phố 18E chia sẻ: “Thủ tục hành chính được Nhà nước ban hành để thực hiện với nhiều mục đích, trong đó chuyên nghiệp hoá hoạt động quản lý, chống sự tuỳ tiện làm sai trái. Nhưng thủ tục đó không được UBND quận Hai Bà Trưng và các cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội thực hiện nghiêm túc” (?!).
Hệ quả là, từ một dự án ban đầu với chủ trương đúng đắn đã bị sự tùy tiện, bất chấp các quy định hiện hành về trình tự thủ tục hành chính của cấp thực hiện làm thay đổi về bản chất: từ chỗ làm hạ tầng kỹ thuật thành quỹ đất thanh toán cho Dự án BT đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên; từ chỗ dự án xây dựng công trình công cộng cho dân, biến thành dự án lấy đất thanh toán dự án kinh doanh nhà bán thu hồi vốn để làm đường.
Những câu hỏi cần làm rõ
Theo chủ trương ban đầu, Dự án có diện tích được phê duyệt là 8,07 ha và quỹ đất được huy động từ đất nông nghiệp, đất ao hồ, đất giao thông công cộng, nhưng sau những lần “điều chỉnh đáng ngờ”, diện tích đất Dự án chiếm dụng đã “nở” lên thành 11,29 ha. Theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, 3,22 ha phần tăng thêm chính là phần diện tích đất ở đô thị của người dân được quy hoạch 1/2.000 làm đất ở đô thị.
Theo phản ánh của người dân, việc diện tích đất “nở” ra, quả bóng trách nhiệm được chính quyền quận Hai Bà Trưng “đá” thẳng lên chính quyền cấp trên, với bài ca muôn thủa: “Mọi quy trình duyệt quy hoạch đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận”. Trong khi đó, UBND Thành phố chưa ra quyết định chấp thuận sự thay đổi về quy mô, diện tích, vị trí và nội dung của Dự án.
Chưa dừng lại, những thay đổi nêu trên của Dự án đã khiến phần diện tích bị thu hồi tăng lên về diện tích và sai về nguồn gốc đất. Bởi ngoài đất nông nghiệp, đất công, đất ao hồ bị lấn chiếm (như quy định ban đầu của Dự án) đã có thêm đất ở hợp pháp của hơn 360 hộ dân tại các tổ dân phố 15 C,D và 18 C, D, E với hơn 3,2 ha bị Dự án “liếm” thêm.
Ngoài hệ lụy với những người dân đang cư trú yên ổn, việc gia tăng quy mô của Dự án còn khiến quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 vốn đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt cho các tổ dân phố trên là đất ở đô thị bị phá vỡ. Thay vào đó, quận Hai Bà Trưng và Công ty Vĩnh Hưng đã lập quy hoạch làm nhà ở cao tầng, thấp tầng kinh doanh thu lợi. Nhưng khi người dân kiến nghị lên các cơ quan chức năng thì không được trả lời một cách thấu tình, đạt lý.
Lách luật để chuyển tiếp dự án?
Về nguyên tắc, Dự án phải được hoàn thành trong giai đoạn 2005 - 2007, nhưng đã “nằm bất động” đến năm 2013 và gần như bị chính quyền quận Hai Bà Trưng “lãng quên”.
Trong khi UBND quận Hai Bà Trưng không thực hiện nghiêm Quyết định 4881/QĐ - UB của UBND TP. Hà Nội, thì xuất hiện một sự trùng hợp được coi là hy hữu. Đó là, ngay trước khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã ra văn bản xin điều chỉnh quy hoạch một lần nữa, với mục đích được chuyển tiếp thực hiện và ban hành Văn bản số 924/UBND - QLDA ngày 27/8/2013 về việc “Điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy”. Điều này, theo nhận định của người dân, quận Hai Bà Trưng đã “nắm được thời cơ” để khi luật mới về quản lý đất đai có hiệu lực, Dự án vẫn có thể chuyển tiếp thực hiện.
Cũng theo phản ánh của người dân, hiện nay, Dự án còn dang dở, chưa được UBND Thành phố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thì UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành thông báo thu hồi đất.
Thiết nghĩ, để Dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, UBND quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện Dự án, nhằm khắc phục tình trạng tuỳ tiện trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án trái pháp luật. Quan trọng hơn, việc rà soát đó sẽ làm yên lòng dân và tránh gây lãng phí tài nguyên đất và ngân sách của Nhà nước.
Sau nhiều lần lỗi hẹn, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng, nhưng vẫn tiếp tục nhận được câu trả lời: “Việc này chúng tôi đang thanh, kiểm tra, có kết quả sẽ trả lời Báo”.