Nhiều du khách lo ngại Covid-19 bùng phát, nên các điểm du lịch dịp Tết này dự kiến không đông như mọi năm |
Công ty du lịch như ngồi trên lửa
Covid-19 tái phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và lan ra một số địa phương lân cận khiến các hãng lữ hành tổ chức tour du lịch Tết như ngồi trên lửa, khi thị trường có nguy cơ đóng băng lần nữa.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty Fiditour
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Fiditour cho biết, các tour Tết đi vùng Đông Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều đã được đơn vị này tính tới phương án phải hủy. “Mấy ngày trước, chúng tôi phải quyết định rút ngắn tour cho một đoàn có điểm bay tại Hà Nội quay trở về trong ngày 30/1, thay vì ngày 31/1 do lo ngại tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp”, ông An cho hay.
Đáng tiếc nhất là các tour vùng Tây Bắc và Đông Bắc trong dịp Tết Tân Sửu đang rất hot, đều đã bán hết vé thì lại là vùng dịch bệnh ảnh hưởng nhiều nhất. Cũng theo ông An, từ mùng 2 Tết, Fiditour có 10 tour đi miền Bắc đều đã kín chỗ, nhưng tình hình dịch thế này chưa biết tính sao. Ngoài tour đi Quảng Ninh, Hải Dương phải hủy, Fiditour vẫn đang khuyến cáo khách chờ thêm thông tin.
Tương tự, Công ty Du lịch Vietrantour hủy 12 tour, tương đương 200 - 250 khách, tới Hạ Long và Cát Bà (Hải Phòng) từ ngày 28/1 đến dịp Tết. “Trước thông tin tạm ngừng hoạt động du lịch tại Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp lữ hành sẽ bị ảnh hưởng, do đây là thời điểm giáp Tết, du khách đã đặt xong tour du xuân. Tuy nhiên, Công ty ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của các tỉnh, để nhanh chóng truy vết và dập dịch”, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc kinh doanh Vietrantour cho hay.
Trong khi đó, tại Vietravel, từ 29/1 - 17/2, hãng lữ hành này có khoảng 101 tour, tương đương với 2.519 khách đến lưu trú hoặc tham quan tại Quảng Ninh. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, đơn vị đã chủ động liên hệ khách hàng và thông báo chuyển hướng tuyến tham quan tới các điểm đến miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam bộ và Phú Quốc. Các tour có thể được hoàn bằng coupon du lịch, có thời hạn vào ngày 30/4/2021.
Đảm bảo quyền lợi của du khách
Bà Nhữ Thị Ngần, CEO Hanoi Tourism cho biết, đơn vị này chạy chương trình tour Tết Tân Sửu 2021 từ tháng 10/2020, nhưng cũng chỉ bán được khoảng gần 300 vé. Thế nhưng, chỉ sau mấy ngày Covid-19 lây lan ra cộng đồng, đã có khoảng 100 khách gọi điện báo dự kiến hủy tour. “Với tình hình hiện nay, nếu không ngăn chặn dịch hiệu quả, khả năng hủy tất cả tour Tết rất cao”, bà Ngần lo lắng.
Theo bà Ngần, khi hủy tour Tết vì lý do Covid-19, các cơ sở lưu trú sẽ trả lại tiền đặt cọc, vấn đề lo ngại nhất là tiền vé máy bay. Hiện hàng không chưa có lệnh cấm bay các chặng, do vậy, phía doanh nghiệp sẽ không hủy vé máy bay được. Trường hợp khách thuộc Quảng Ninh, Hải Dương thì hãng lữ hành có thể gửi công văn lên hãng hàng không xin hỗ trợ lùi ngày miễn phí hoặc xin bảo lưu vé máy bay. Các dịch vụ tại điểm đến cũng xin lùi bảo lưu, toàn bộ không phát sinh chi phí.
Trả lời câu hỏi nếu trong trường hợp khách hàng đòi hủy tour và lấy lại toàn bộ tiền thì sao, bà Ngần cho biết: “Điều này là không được do các dịch vụ công ty lữ hành đã đặt cọc và thanh toán rồi. Các dịch vụ cũng chỉ hỗ trợ lùi hoặc bảo lưu chứ không hoàn tiền được”.
CEO Hanoi Tourism cho hay: “Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Công ty sẽ có phương án để làm việc tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ. Trên quan điểm vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, đơn vị này đã nhận được yêu cầu hủy tour từ một số đoàn khách. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, du khách không nên quá hoang mang mà cần bình tĩnh xem xét tình hình.
“Với kinh nghiệm từ đợt bùng phát trước, tôi mong các du khách nên xem xét kỹ điểm đến/đi của mình có an toàn không. Ví dụ, khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Phú Quốc (Kiên Giang) mà khăng khăng đòi hủy thì sẽ rất khó. Các đơn vị đều có chính sách hoàn, hủy, nên những yêu cầu thế này dễ gây bất lợi cho chính khách hàng”, ông Đạt nói.
Theo CEO AZA Travel, trong trường hợp điểm đến hoặc điểm đi của du khách có tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty tour cùng các bên sẽ cân nhắc hủy, hoãn hoặc chuyển hướng các tour này tới những điểm an toàn. Tuy nhiên, điều này phải tùy vào thiện chí hỗ trợ nhau của các bên.
Cũng theo ông Đạt, các khách sạn đang rất quan tâm tới điểm xuất phát của khách. Nếu có yếu tố dịch, họ cũng không muốn nhận rủi ro. Do đó, những trường hợp này có thể hủy hoặc hoãn. Song, hàng không lại là câu chuyện khác. Khi chưa có chỉ thị từ Bộ Y tế, các chuyến bay vẫn diễn ra bình thường. “Khách hàng cần bình tĩnh theo dõi tình hình. Nếu đòi hủy hàng loạt khi hàng không chưa có chính sách, du khách sẽ làm khó công ty du lịch và cũng gây thiệt cho chính mình”, ông Đạt nhấn mạnh.
Covid-19 là bất khả kháng, không ai mong muốn, vậy nên cả 3 bên hành khách, đơn vị lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ cần bình tĩnh ngồi lại với nhau đưa ra phương án hợp lý.
“Một số khách do quá nôn nóng yêu cầu hủy tour trong khi hàng không vẫn chưa có lệnh dừng bay thì phải chấp nhận mất phí vé bay. Do đó, khách hàng tại điểm đi và đến nếu không nằm trong vùng có dịch thì nên bình tĩnh trước khi đưa ra quyết định”, ông Đạt khuyến cáo.