Hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội trong khi vẫn phải đảm bảo các nhu cầu chi tiêu, mua sắm là môi trường để fintech tăng trưởng mạnh mẽ.
Tăng trưởng 3 con số
Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi rót vốn vào VNDC Wallet - ứng dụng fintech đa dịch vụ đã tăng trưởng người dùng tới 70 lần trong Covid-19, từ 10.000 lên hơn 700.000 người dùng.
Ông Matthew Tran, đồng sáng lập Quỹ đầu tư VNDC Ventures cho biết, bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong hành vi, thói quen của người tiêu dùng. Công chúng quan tâm nhiều hơn tới các công cụ đầu tư trực tuyến thay vì những kênh đầu tư truyền thống tiếp xúc trực tiếp. Điều này sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho các dự án fintech biết nắm bắt cơ hội.
Chỉ trong 4 ngày (từ 28/5 đến 31/5/2021), tổng lượng mua hàng và thanh toán qua Zalo OA của ZaloPay đã đạt hơn 20.000 lượt giao dịch. Trong quý I/2021, tổng giao dịch thanh toán qua ví điện tử ZaloPay tăng tới 314,4%, lượng người dùng mới tăng 210,7% so với cùng kỳ 2020.
Còn VNPay sau khi được rót vốn 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC của Chính phủ Singapore cũng có bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian qua bằng việc “bắt tay” với hàng chục ngân hàng Việt Nam xây dựng các ví điện tử sử dụng mã QR để thanh toán. Theo VNPay, ví VNPAY-QR tăng trưởng mạnh mẽ ở mọi mặt, lượng giao dịch thanh toán VNPAY-QR trong quý I/2021 tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái, điểm chấp nhận thanh toán lên tới 100.000 điểm và vẫn đang tiếp tục được mở rộng.
Trong khi đó, năm 2020, ví điện tử MoMo cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố sở hữu hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, đây là con số mơ ước của mọi fintech. Đáng chú ý, chỉ trong 5 năm qua, lượng khách hàng cá nhân của ví điện tử này đã tăng gấp 40 lần.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT MoMo cho biết, tính từ hồi phát sinh đại dịch Covid-19 đến nay, MoMo ghi nhận có hàng chục ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia chuyển đổi lên nền tảng của MoMo. Con số này tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Hiện giao dịch qua kênh Internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị.
Thúc đẩy sự đổi mới
“Ngân hàng số Cake nhắm tới phân khúc chục triệu khách hàng từ 18-40 tuổi yêu thích công nghệ, ngại tiếp xúc, ngại xếp hàng… họ thường muốn mở tài khoản, vay khoản nhỏ, đầu tư khoản nhỏ, những ngân hàng ít quan tâm nhóm khách hàng này. Trong đại dịch Covid-19 hạn chế tiếp xúc thì nhu cầu này càng tăng cao. Khách hàng khi có nhu cầu vay tiền qua một số tổ chức tín dụng, thay vì trước kia phải đến tận nơi xếp hàng, chờ đợi, thì nay chỉ cần thao tác ở nhà đăng ký tài khoản trên smartphone, lập tức sau vài phút khoản vay đã được thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của beFinancial, đại diện ngân hàng số Cake cho biết.
Cũng theo ông Quang, sự đa dạng, phát triển mạnh của các công ty fintech Việt đã, đang và sẽ thúc đẩy sự đổi mới, giúp các giao dịch tài chính nhanh hơn, thuận tiện hơn và người tiêu dùng được tiếp cận dịch vụ qua môi trường số một cách tiện lợi nhất. Đặc biệt, ảnh hưởng của Covid-19 khiến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, tạo cơ hội cho ví điện tử, ngân hàng số bứt phá trên thị trường tài chính.
Còn theo ông Hồ Quốc Đạt, đồng sáng lập VietMoney, trong Covid-19, fintech không chỉ giúp rất nhiều người thuận tiện trong tài chính tiêu dùng, mà nhiều lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi lớn như bán lẻ, thương mại điện tử, logistics. Đặc biệt là các ngân hàng đón nhận sự hưởng lợi khi thay đổi hành vi người dùng, tỷ lệ không dùng tiền mặt tăng cao.
Chia sẻ về tăng trưởng ấn tượng của Zalo OA, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch Zion, đơn vị chủ quản của ZaloPay cho biết, thực ra việc phát triển tính năng cho phép người dùng mua sắm, đặt đồ ăn, thức uống, đặc biệt là nhu yếu phẩm và thanh toán cùng lúc bằng ví ZaloPay trên Zalo OA xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19 và chủ trương của Chính phủ khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
“Trước khi có dịch bệnh, Chính phủ đã khuyến khích thanh toán không tiền mặt, thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ, đó là điều kiện cần. ZaloPay nhìn thấy cơ hội, tập trung nguồn lực, tài chính, xây dựng sản phẩm, đó là điều kiện đủ. Zalo có nền tảng người dùng lớn và thường xuyên, đó là yếu tố cộng hưởng. ZaloPay đánh giá giải pháp này có thể cung cấp rộng rãi cho nhiều đối tượng khách hàng. Chúng tôi sẽ nỗ lực biến nó trở thành một thế mạnh đặc biệt”, bà Thanh nói.