Cộng đồng các nhà phát triển game rất trẻ và sáng tạo là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành game Việt. |
Nhiều động lực và dư địa phát triển
Tổng hợp báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất thế giới, dự báo đạt 7,4%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Quy mô của thị trường đạt 4,75 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 7,14 tỷ USD vào năm 2026.
Theo báo cáo của Google, Việt Nam nằm trong top 5 về phát hành game trên thế giới với 4,2 tỷ lượt tải game trên ứng dụng. Dự kiến, năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD.
Ông Zuy Nguyen, cố vấn phát triển thị trường quốc tế, game và ứng dụng, phụ trách thị trường Đông Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra những yếu tố giúp ngành game Việt phát triển mạnh mẽ.
Trước tiên, Việt Nam có cộng đồng các nhà phát triển game rất trẻ, không có tâm lý sợ hãi và sẵn sàng thử nghiệm những cái mới. Game cũng được xem là mảng xuất khẩu quan trọng, nên đang được đầu tư và hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp game đã kết hợp cùng phát triển. Sự xuất hiện của liên minh các nhà phát triển game Việt Nam đã đưa hệ sinh thái game lên một tầm cao mới.
Đặc biệt, các lập trình viên Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp quyết liệt, sáng tạo, tìm ra các hướng đi mới, biết tạo ra các sản phẩm đặc thù. Điển hình là game Axie Infinity đem về doanh thu hàng tỷ USD. Các công ty như Amanotes, Topebox, OneSoft… có những thế mạnh riêng, luôn đổi mới không ngừng, tạo ra sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Zhen Fang, Giám đốc thị trường quốc tế Roblox đánh giá, Việt Nam đang là “ngôi sao sáng” cho thể loại game do người dùng sáng tạo (UGC). Ngoài lượng người dùng trẻ tiềm năng, sáng tạo và cởi mở, Việt Nam còn có hạ tầng sẵn sàng thử nghiệm công nghệ bắt kịp xu hướng. Các cơ quan quản lý hỗ trợ về chính sách, cơ hội hợp tác và mở rộng hạ tầng. “Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất trong khu vực về mức độ sẵn sàng, khả năng thích nghi và dư địa khai thác”, bà Zhen Fang nhấn mạnh.
Đưa ngành công nghiệp game cất cánh
Dù rất giàu tiềm năng và có nhiều dư địa, nhưng so với quy mô dân số và mức độ phát triển hạ tầng viễn thông của một số nước trong khu vực, ngành game online của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu của ngành còn khiêm tốn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề như định kiến của xã hội, cạnh tranh không lành mạnh, game lậu hoành hành, số lượng doanh nghiệp game có xu hướng giảm…
Các doanh nghiệp trong ngành cho biết, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt hiện chỉ đạt 3 - 5% doanh thu. Đáng nói là, doanh thu ở mảng thị trường game di động của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam. Doanh thu ngành game Việt đạt dưới 0,5% trong tổng giá trị toàn cầu.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNGGame chia sẻ, nhiều sản phẩm của nhà phát hành game Việt Nam đứng top 5 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều sản phẩm có chất lượng chưa tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới và có tuổi thọ ngắn.
Bên cạnh công nghệ, theo ông Thắng, việc thu hút vốn có thể được coi là một lực đẩy quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng tăng tốc để đuổi kịp sự phát triển của thị trường game ở các quốc gia khác. Để thu hút đầu tư, các nhà làm game phải có ý tưởng, tầm nhìn và những sản phẩm chất lượng, được cộng đồng game thừa nhận và sử dụng. Do đó, nguồn vốn đầu tư tuy rất cần, nhưng không phải là yếu tố đầu tiên để phát triển ngành game.
“Trong dài hạn, giá trị thật sự của sản phẩm được tạo ra mới là điều quan trọng. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp game khác, luôn khát khao tìm kiếm các ý tưởng hay, các sản phẩm tốt để không chỉ phục vụ người dùng, mà khát vọng lớn hơn là được công nhận trên quy mô toàn cầu”, ông Thắng bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cho rằng, các start-up, studio cần liên kết với nhau để cùng nhau thực chiến. Từ những kinh nghiệm thực chiến mới đúc kết ra bài học. Bài học này là nền tảng hỗ trợ các cơ sở đào tạo để đặt nền móng cho ngành game.
“Muốn ngành game phát triển bền vững trong tương lai, phải xem đào tạo là nền móng lâu dài. Theo đó, cần có cơ sở giảng dạy chuyên sâu, có mã ngành. Tôi hy vọng, trong 3 năm nữa, Việt Nam sẽ có mã ngành liên quan đến game”, ông Ngọc Bảo kỳ vọng.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, để ngành game Việt Nam thực sự vươn mình và phát triển mạnh mẽ, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Chính phủ cần xây dựng và cải thiện các quy định pháp lý hỗ trợ ngành game, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nên xem xét thành lập hiệp hội các nhà sản xuất video game Việt Nam như một tổ chức xã hội nghề nghiệp để thúc đẩy các tiêu chuẩn ngành và tạo môi trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Về nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về lập trình game, thiết kế đồ họa và công nghệ mới; có sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu; tạo điều kiện làm việc hấp dẫn để thu hút và giữ chân các tài năng trong ngành.
Cùng với đó, các công ty cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng các công nghệ như VR, AR, IoT và blockchain; xây dựng chiến lược marketing hiệu quả, tận dụng truyền thông xã hội và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường.