Bộ Tài chính vừa quyết định gia hạn 29 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid - 19.
Chứng khoáng và thị trường chứng khoán được hưởng lợi nhiều nhất
Năm 2020, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu suy giảm khoảng 4%, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế là trường hợp ngoại lệ khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương.
Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương (tăng 2,91%), theo WB là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực trong nước và xuất khẩu. Không những Việt Nam kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.
Một trong những giải pháp tài khóa được Bộ Tài chính sử dụng trong năm 2020 là việc giảm hàng loạt loại phí, lệ phí.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật cho nền kinh tế và bảo đảm đời sống của nhân dân; vừa phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, khẩn trương, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ điều chỉnh giảm mức thu 29 khoản phí, lệ phí với thời hạn giảm kéo dài hết ngày 31/12/2020 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Ông Phạm Quốc Hưng, Quyền vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành 21/33 thông tư để điều chỉnh mức thu phí, lệ phí, qua đó giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 30% mức phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn...
“Trong số các lĩnh vực được giảm phí và lệ phí thì lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được giảm nhiều nhất (giảm 20/22 khoản phí và lệ phí) đã góp phần không nhỏ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trụ vững và có sự phát triển mạnh mẽ, thanh khoản trên thị trường được cải thiện đáng kể”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu.
20/22 khoản phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được giảm 50% mức phải nộp đã góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trụ vững, thanh khoản trên thị trường được cải thiện. |
Chính sách kịp thời, đồng bộ và mức giảm tương đối lớn
Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6%. Mục tiêu này khá “khiêm tốn” so với dự báo của các định chế tài chính quốc tế.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7%. Mức dự báo tăng trưởng này thấp hơn so với dự báo của WB đôi chút (tăng 6,8%), nhưng cao hơn khá nhiều so với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB dự báo tăng trưởng 6,3%), nhưng thấp hơn khá nhiều so với dự báo của Ngân hàng UOB (dự báo tăng 7,1%), Standard Chartered (tăng 7,8%), và đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với dự báo của Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global (S&P dự báo năm 2021, GDP của Việt Nam tăng tới 11,2% - mức tăng trưởng kỷ lục).
“Mức tăng trưởng khoảng 6% đặt ra cho năm 2020 là đặt trong bối cảnh tình hình dịch Covid - 19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, thương mại, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Điều kiện kinh tế - xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, lưu trú, nhà hàng, khách sạn... Hiện nay, về cơ bản, mặc dù Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, nhưng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất cao vì các nước có chung đường biên giới đã xuất hiện làn sóng thứ hai, thứ ba của Covid-19. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục đương đầu với đại dịch. Trong đó, giảm một số loại phí, lệ phí được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu”, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê phát biểu.
Ông Phạm Quốc Hưng cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/12, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC, quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
“Kể từ ngày 1/1/2021 (hết thời gian giảm phí, lệ phí theo các quy định được ban hành năm 2020) đến hết ngày 30/6/2021. Theo đó, 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm với mức giảm từ 50 - 100%”, ông Hưng cho biết.
Đánh giá rất cao việc Bộ Tài chính tiếp tục giảm các loại phí, lệ phí đến hết quý II/2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là chính sách được ban hành không chỉ kịp thời mà còn đồng bộ và mức giảm tương đối lớn.
“Các lĩnh vực được giảm phí đều là những lĩnh vực phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ như kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hàng không, du lịch, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, y tế… nên việc giảm phí, lệ phí không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, mặc dù tổng số phí, lệ phí được miễn, giảm không nhiều, chỉ vào khoảng 500 tỷ đồng nhưng sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.