Theo ghi nhận của phóng viên, sau ảnh hưởng của bão số 3, hàng hóa thiết yếu vẫn tương đối dồi dào, không đến mức khan hàng, nhưng giá vẫn tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Việc dự trữ thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, để đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và sức đề kháng là điều tất yếu. Tuy nhiên, cung không đủ cầu, cộng với yếu tố tâm lý, không loại trừ hành vi "té nước theo mưa", đã đẩy giá rau lên cao.
Tại khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn, trứng... giá có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, giá rau xanh lại tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với những ngày trước khi bão về. Cụ thể, rau muống, mồng tơi, rau ngót từ 20.000 đồng/mớ…. Các loại rau củ quả tăng giá hơn so với bình thường từ 10.000 - 15.000đồng/kg. Ngoài ra, cà chua đã tăng lên 40.000 đồng/kg, hành lá cũng có mức giá tương tự.
"Sau bão, trời mưa to gây ra ngập úng ở nhiều địa phương nên việc vận chuyển và nhập hàng gặp nhiều khó khăn. Trong mấy ngày tới, giá rau nhập ở chợ đầu mối sẽ tăng vì nhà vườn bị thiệt hại hoa màu”, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ.
Ảnh minh hoạ |
Tương tự, tại khu vực chợ Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) các mặt hàng rau vẫn được bày biện nhưng không đa dạng như mọi ngày, rau ăn lá không có nhiều, chủ yếu là các rau ăn củ, quả. Tuy nhiên, giá các loại rau này cũng tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg. Điển hình như dưa chuột 55.000 đồng/kg, củ cải trắng 35.000 đồng/kg, bắp cải 30.000 đồng/kg, khoai tây 40.000 đồng/kg, bí đao 35.000 đồng/kg…
Trái ngược với hiện tượng rau xanh tăng giá tại chợ truyền thống, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn giữ nguyên giá bán, một số loại rau xanh như rau muống, rau cải đang có giá dao động khoảng 15.000 - 25.000 đồng/mớ.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá rau xanh tăng cao trong và sau bão. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão khiến nhiều loại rau bị ngập úng, dập nát, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, làm nguồn cung giảm sút đáng kể.
Sự gia tăng đột biến giá các loại rau không chỉ tác động trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của các gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp, mà còn tạo ra áp lực lên nền kinh tế nói chung. Khi giá thực phẩm thiết yếu tăng cao, chi phí sinh hoạt của người dân cũng leo thang, gây ra nhiều hệ lụy như giảm khả năng chi tiêu cho các nhu cầu khác, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Mặc dù giá rau củ tăng, nhưng nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng họ không trả giá thấp hơn khi mua rau. Họ hiểu rằng sau cơn bão số 3, người trồng rau tại các tỉnh, thành phố cũng chịu thiệt hại lớn, với nhiều diện tích hoa màu bị cuốn trôi, dập nát. "Giá này đã là giá chung ở khắp nơi rồi, mua ở chỗ khác cũng thế thôi", một người mua hàng cho hay.
Do đó, các đơn vị sản xuất và phân phối rau cần có kế hoạch dự phòng, điều chỉnh nguồn cung và phương thức vận chuyển để giảm thiểu tác động của thiên tai đến giá cả. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và bảo quản rau xanh cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh giá rau xanh tăng cao, người tiêu dùng cần chủ động và thận trọng hơn trong việc mua sắm. Việc khảo sát, so sánh giá cả tại các điểm bán hàng khác nhau sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định hợp lý, tránh bị ép giá cao không chính đáng. Bên cạnh đó, việc hạn chế tích trữ quá mức cũng là cách giúp cân bằng nhu cầu trên thị trường, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn hiện tượng tiểu thương găm hàng, tăng giá đột biến, ngày 11/9 Cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu các đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đồng thời xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện các Đội quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn qua đó ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ, găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.