Rau, quả… ngổn ngang sau bão
Tại Hà Nội, gia đình bà Nguyễn Thị Tuất (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) chia sẻ, trước khi bão đổ bộ vào, gia đình bà đã chằng chống cẩn thận, nhưng sau đêm 7/9, nhà cửa, ruộng vườn, cây cối đều bị tàn phá nặng nề. “Chỉ sau một đêm, cơn bão đã khiến hầu hết vườn chuối của nông dân trong xã bị đổ gục hoàn toàn”, bà Tuất chia sẻ.
Không khỏi xót xa khi chứng kiến những buồng chuối còn non xanh nằm ngổn ngang trên mặt đất, thân chuối thì đổ rạp, người nông dân đã phải dồn biết bao tâm huyết, thời gian, mồ hôi để chăm bón từng cây, từng quả trong vườn. Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, gia đình bà Tuất cũng như mọi người nông dân sẽ thu về thành quả khi đưa những buồng chuối đẹp ra tiêu thụ thị trường với mức giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng/buồng, ấy vậy mà sau một đêm mất trắng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân phát động phong trào kết nối tiêu thụ nông sản giúp người dân. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ (Hà Nội) chia sẻ: "Cơn bão đã làm ngập trắng cả cánh đồng rau của chúng tôi. Dù một số loại củ quả như bí đỏ và cà rốt còn có thể thu hoạch được, nhưng giá bán lại rất rẻ, chỉ mong thu về chút vốn để tái sản xuất."
Tình cảnh này không chỉ diễn ra tại Hà Nội, Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) sau cơn bão cũng đối mặt với thiệt hại lớn khi 3 ha nhà màng trồng dưa vàng bị tốc mái, hư hại toàn bộ hệ thống tưới tiêu, hàng nghìn gốc dưa đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị phá hủy khiến các thành viên Hợp tác xã phải nhanh chóng tìm cách thu hoạch và khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, nỗ lực của họ chỉ là giải pháp tạm thời khi mà nhiều diện tích trồng trọt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những mảnh ruộng, bờ ao hoang tàn, đổ nát sót lại sau trận bão vừa rồi khiến nhiều hộ dân rơi vào tình thế bất lực. Vẫn biết làm nông nghiệp luôn phải chấp nhận những rủi ro từ thiên nhiên, song những người nông dân vẫn luôn cần sự giúp đỡ hỗ trợ của địa phương, cơ quan chức năng để vững tin làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chung tay “giải cứu" nông sản cho nông dân
Trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 để lại, phong trào hỗ trợ nông dân đã được phát động rộng rãi, thu hút sự quan tâm và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Từ các cơ quan đoàn thể đến những người dân bình thường, tất cả đều thể hiện tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", sẵn sàng chung tay giúp đỡ người dân vùng bão lũ. Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn Hà Nội đã tích cực tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế và giúp nông dân nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống.
Không chỉ các tổ chức, lực lượng thanh niên, công an địa phương cũng nhanh chóng tham gia vào quá trình thu hoạch và vận chuyển nông sản cho bà con. Những loại rau củ, trái cây như bắp cải, cà rốt, bí đỏ từ những vùng ngập lụt nhanh chóng được thu gom và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhiều điểm bán “Nông sản giải cứu” đã được dựng lên ở các chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, và siêu thị, đặc biệt là những chợ online trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo đã trở thành nơi để nông sản “giải cứu” được tiêu thụ. Các loại rau củ như bắp cải, bí đỏ, cà rốt, và khoai lang đang được bán với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa so với trước đây, thậm chí là tặng miễn phí.
Nhiều tổ chức thiện nguyện, nhóm tình nguyện cùng nhau thu mua nông sản từ các vùng bão lụt mang về thành phố tiêu thụ. Các chiến dịch truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm khuyến khích người dân mua nông sản giải cứu, giúp đỡ bà con nông dân vượt qua khó khăn. Anh Phùng Đăng Thành, một người dân tại Hà Nội, cho biết: "Thấy hình ảnh bà con nông dân chịu thiệt hại nặng nề sau bão, tôi nghĩ mình cần làm gì đó để giúp họ. Gia đình tôi đã mua rất nhiều nông sản giải cứu, vừa có rau củ tươi ngon, vừa ủng hộ nông dân."
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Đối với nhiều hợp tác xã, việc phục hồi sau bão không chỉ cần sự ủng hộ từ người tiêu dùng mà còn đòi hỏi những biện pháp hỗ trợ lâu dài từ phía nhà nước và các cơ quan chức năng. Nhiều nông dân, hợp tác xã mong muốn có các chương trình hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật canh tác và biện pháp phòng tránh thiên tai để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cứu trợ, giúp nông dân ổn định lại cuộc sống và sản xuất. Việc tái thiết sau bão không chỉ đơn thuần là việc phục hồi sản xuất mà còn là cơ hội để các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhằm phát triển bền vững.