Ngân hàng - Bảo hiểm
Giải ngân gói hỗ trợ đạt 2,2% và 10 tờ trình gửi Chính phủ về khó khăn, vướng mắc
Thùy Liên - 28/10/2023 09:41
NHNN cho biết, đến 30/09/2023 đã có 36 ngân hàng tham gia hỗ trợ với số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế 873 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự tham gia tích cực của nhóm ngân hàng big 4 và HSBC.

Bất ngờ một ngân hàng ngoại tham gia tích cực 

Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, tính đến 30/09/2023, trong số 44 ngân hàng thương mại (NHTM) được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, có 36 NHTM đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất với doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 190.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 63.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 873 tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng (chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp chiếm 99%).

Theo NHNN, ngân hàng có kết quả quả hỗ trợ lãi suất tích cực nhất là Vietinbank (chiếm 22,28% tổng số hỗ trợ lãi suất), cái tên khá bất ngờ là HSBC cũng có kết quả hỗ trợ lãi suất cao (chiếm 17,25%). Ba ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 (BIDV, Vietcombank, Agribank) và Techcombank… là những cái tên tiếp theo trong danh sách tích cực tham gia gói hỗ trợ lãi suất.

Như vậy, đến cuối tháng 9/2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 2,2%.

NHNN cho biết, kể từ khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP được ban hành, NHNN đã rất tích cực triển khai. Cụ thể, đã tổ chức 6 hội nghị, cuộc họp chuyên đề hỗ trợ lãi suấ, ban hành 14 văn bản giải đáp để hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải đáp các vấn đề phát sinh và đôn đốc các NHTM triển khai chính sách; Tổ chức truyền thông một cách rộng rãi bằng nhiều hình thức.

Phía các NHTM cũng đã chủ động tiếp cận khách hàng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho các khách hàng hiểu rõ, đầy đủ về chính sách và cách thức để tiếp cận chính sách HTLS từ NHTM.

NHNN cũng đã thành lập đường dây nóng (tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các NHTM và chi nhánh các NHTM) để nắm bắt thực tế phản ánh của người dân, doanh nghiệp; thành lập các Đoàn công tác liên bộ khảo sát thực tế tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tại một số địa phương…

Mặc dù vậy, kết quả giải ngân gói hỗ trợ vẫn đạt thấp.

Giải ngân chậm, NHNN đã có 10 tờ trình báo cáo khó khăn 

Qua công tác kiểm toán chuyên đề đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, Kiểm toán Nhà nước đã nhận định một số tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai chính sách của các NHTM như: một số NHTM ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm; chưa thực sự chú trọng hướng dẫn đào tạo nội bộ; chưa cung cấp được bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách; văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất; nội dung tuyên truyền chính sách còn sơ sài; công tác rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất chưa đầy đủ.

NHNN cho hay, từ thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất này, NHNN đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông qua 10 Tờ trình báo cáo đầy đủ các khó khăn, vướng mắc đồng thời có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất. 

 Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu là khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất (ví dụ như khách hàng hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh,...). Một số khách hàng đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi”; một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất…

Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất tốt hơn thời gian tới, NHNN đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp NHNN thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách. Đồng thời, tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Tin liên quan
Tin khác