Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La bắt đối tượng liên quan đến vụ án gian lận thi cử
Không thể nào phụ huynh lại vô can
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Hữu Lập nguyên Phó Giám đốc HV Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, cơ quan điều tra cần phân loại động cơ những trường hợp thí sinh được nâng điểm là con quan chức từ những người bị bắt là họ làm từ động cơ nào, vì quan hệ hay vì tiền.
Ví dụ như trường hợp con Bí Thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh, ông Vinh cho rằng ông không nhờ nâng điểm cho con, ai đó đã hại ông. Trường hợp này xử lý sao được nếu không có chứng cứ.
Hay có thể lãnh đạo đó không trực tiếp làm, không xuất đầu lộ diện nhưng nhân viên cấp dưới tự làm, nịnh sếp như vụ biển xe xanh đón vợ Bộ trưởng tại cửa sân bay ở Bộ Công Thương thì sao?
"Để sự việc xảy ra như thế này rõ ràng là có vấn đề, cần khởi tố, cần kiểm điểm. Mặc dù chưa có kết luận điều tra nhưng với phụ huynh là quan chức, cán bộ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước có con trong danh sách nâng điểm, trước hết cần kiểm điểm, giải trình với cơ quan có hay không vì theo luật công chức đây là hiện tượng vi phạm đạo đức chứ không thể nói vô can" - ông Lập nhấn mạnh.
PGS.TS Lê Hữu Lập
Theo ông Lập, từ kiểm điểm này, các cơ quan quản lý so sánh với kết luận của cơ quan điều tra xem có khớp hay không để xử lý kỷ luật cán bộ theo quy định của pháp luật.
Phải giải quyết triệt để vấn đề gian lận điểm thi này vì đây cũng là một dạng tham nhũng nhỏ. Phụ huynh có con nâng điểm mà là lãnh đạo công chức nhà nước thì phải xử lý rõ ràng công khai, minh bạch, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.
Ngoài ra, ông Lập không đồng ý việc Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thí sinh sửa, nâng điểm này thi tiếp trong năm 2019.
Ông Lập cho rằng, việc thay đổi điểm thi, không thể thí sinh không biết, bởi thi trắc nghiệm, ra khỏi phòng thi thí sinh biết ngay mình được bao nhiêu điểm. Chúng ta đào tạo những công dân mà gian dối ngay từ đầu như thế cũng đã vi phạm đạo đức. Đào tạo phải lấy cả về năng lực và đạo đức.
“Tuy quy chế thi không có hình thức kỷ luật thí sinh gian lận điểm thi nhưng cũng có thể coi đây là sai lầm của thí sinh và cần có biện pháp kỷ luật là dừng không cho thi 1 năm. Hiện nay, mặc dù muộn nhưng Bộ GD&ĐT cần sửa quy chế thi để trừ trường hợp gian lận theo hình thức này ở các năm sau” - ông Lập kiến nghị.
Xử lý bình đẳng trước pháp luật
Trao đổi với PV Dân trí, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, đối với thí sinh nâng điểm thi, trường đại học buộc thôi học là do kết quả chấm thẩm định không đủ điểm đỗ vào trường nên chỉ xử lý thí sinh theo quy chế chấm phúc tra.
Còn xử lý về mặt kỷ luật thì mới gắn liền với công bố tên thí sinh, chấp nhận hình thức mấy năm không được dự thi. Trường hợp bố mẹ chạy điểm cho con thì thí sinh không có tội.
Đối với phụ huynh, muốn xử lý những người đưa hối lộ để nâng điểm thi, ông Khuyến cho rằng, về mặt pháp lý thì phải có chứng cứ là họ mua điểm thì mới khép vào tội đưa hối lộ và xử lý theo hình sự.
"Khi cơ quan điều tra kết luận, phụ huynh nào đưa hối lộ nâng điểm thi cho con, dù là quan chức nào cũng phải xử lý bình đẳng trước pháp luật.
Những trường hợp không có chứng cứ như trường hợp Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, ông Vinh nói có ai đó hại ông, vậy thì chịu thua. Nhưng ông Bí thư này không thể vô can vì ông là lãnh đạo của tỉnh phải chịu trách nhiệm trước những sai sót của cấp dưới, xảy ra sai sót trên địa bàn mình quản lý” – ông Khuyến nói.