Thông thường, tuần đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, người dân vẫn còn dư âm của Tết, còn đi du lịch, đi chùa, tân niên…, nên dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong chừng mực nào đó vẫn còn tâm lý “tháng ăn chơi”. Và tuần sau đó, mới chính thức được xem là tuần “vào việc”, bắt đầu cho 1 năm làm ăn mới và nghiên cứu, cân nhắc giải ngân mạnh hơn.
Diễn biến trong tuần qua, đầu tuần có tăng khá tốt và giảm dần về cuối tuần do áp lực chốt lời và thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái tăng lãi suất trong tháng 3, đồng thời dự kiến có thể tăng nhiều lần hơn. Bởi vậy, TTCK Mỹ biến động theo hướng điều chỉnh và TTCK Việt Nam cũng trong xu thế đó.
Ghi nhận trong tuần trước, khả năng sinh lợi ngắn hạn gia tăng, và dòng tiền đầu cơ vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ông Phan Tấn Nhật, trưởng nhóm phân tích CTCK SHS chi nhánh TP.HCM cho rằng, số lượng mã có vùng bán ngắn hạn tăng, áp lực chốt lãi ngắn hạn tăng. Số lượng mã có vùng mua ngắn hạn giảm, duy trì lớn hơn vùng bán.
Thị trường vẫn có nhiều mã có vùng mua, phân hóa khá mạnh ở các ngành nổi bật như DCM, DPM, D2D, TDC, TVS, NTP, VIX, TCD, PET, NKG, KBC, ITA, PHR, DAG… Phù hợp các vị thế mua ngắn hạn khi xảy ra rung lắc, bán lướt ở vùng kháng cự mạnh, short_taget và chọn lọc gia tăng tỉ trọng đầu. Lực cầu ngắn hạn của VN-Index gia tăng, lực cung giảm.
Kết thúc tuần, VN-Index trên mốc tâm lý 1.500 điểm. Ở mức 1501,71 điểm, tăng 1,54%, khối lượng giao dịch giảm -8,35%. VN30 ở mức 1.545,92 điểm, tăng 0,89%, khối lượng giao dịch không thay đổi so với tuần trước. Thị trường phân hóa mạnh với dòng tiền và xu hướng giá ngắn hạn tiếp tục gia tăng cải thiện ở nhiều mã. Ngắn hạn VN30 tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1535+-, VN-Index tích lũy trên hỗ trợ 1.485-1.490 điểm. Vùng định giá hỗ trợ tăng trưởng trung dài hạn của VN-Index, VN30 là 1.440-1.450, 1.490-1.500.
Tuần 14 - 18/2: Tích luỹ, hồi phục dần
Với đặc tính tuần sau Tết như trên, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng, tuần này, nhà đầu tư sẽ giải ngân nhiều hơn, chào đón thông tin mới về kế hoạch năm 2022, cổ tức, phát hành tăng vốn… khi tài liệu ĐHĐCD dần được công bố… Năm 2021, kết quả chưa đạt kỳ vọng đã thể hiện ra, còn kế hoạch được chia sẻ thì luôn có triển vọng, hấp dẫn hơn, theo đó – ĐHĐCĐ là mùa thông tin tích cực nhiều hơn.
Bởi vậy, ông Phương nhận định, TTCK sẽ hồi phục dần và kéo dài đến gần cuối tháng 4/2022. Thị trường vẫn có biến động tăng giảm đen xen nhưng khuynh hướng là zích zắc đi lên. Riêng tuần sau vẫn là tuần tăng điểm nhiều hơn, biến động 1.500-1.550 điểm.
Ông Phan Tấn Nhật chia sẻ nhận định, trong ngắn hạn thị trường vẫn đang trong giai đoạn định giá lại, tạo mặt bằng giá mới sau giai đoạn gia tăng mạnh của dòng tiền mới. Chỉ số tích lũy và thị trường phân hóa mạnh với dòng tiền gia tăng nhiều ở các mã, nhóm mã cơ bản tốt, có chất lượng tài sản đảm bảo tốt và vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tăng trưởng, ổn định_tập trung nhiều vào Khu Công nghiệp, Cảng biển, hóa chất, dầu khí, ngân hàng …với nhiều cơ hội để dòng tiền mới, cơ cấu danh mục đầu tư, chọn lọc gia tăng tỉ trọng đầu tư trở lại.
Ông Nhật dự kiến VN-Index, VN30 trong tuần tiếp theo vẫn sẽ tiếp tục rung lắc phân hóa trên vùng hỗ trợ quan trọng 1.485+-, 1.535-1.540. Quá trình rung lắc tích lũy phân hóa của VN-Index dự kiến còn tiếp tục cho đến khi số lượng mã có trend_up (xu hướng tăng) ngắn hạn tiếp tục cải thiện gia tăng hướng đến vùng 45-50%, trong 3-7 phiên tiếp theo (hiện tại đang ở mức 35%).
Chỉ số đang chịu ảnh hưởng lớn của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn điển hình như VIC, VHM, VRE… (các mã này đã có thời gian 5 năm hầu như không biến động tăng giá kể từ sau quá trình phân tách từ năm 2018 đến nay). Ông Nhật cho rằng, có thể kỳ vọng VIC sẽ phục hồi trở lại ở vùng giá 75-77, VNM cũng có 5 năm điều chỉnh tích lũy phục hồi để hổ trợ chỉ số. Nhiều mã sau thời gian điều chỉnh mạnh tiếp tục phục hồi kiểm tra lại các vùng kháng cự trung hạn với mục tiêu phục hồi chỉ kỳ vọng 10-15%. Phù hợp nhiều với các trường hợp lướt sóng ngắn hạn, hạ giá vốn đầu tư.
Ông Nhật khuyến nghị, nhà đầu tư nên chọn lọc gia tăng tỉ trọng đầu tư mới với các trưởng hợp tỉ trọng dưới mức trung bình khi xảy ra rung lắc điều chỉnh. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tăng trưởng tốt đang có vùng giá hợp lý, mức P/E thấp. Nhưng, tổng tài khoản thì nên duy trì tỉ trọng đầu tư mức trung bình.
Nhóm cổ phiếu dẫn sóng - chú ý ngành thép
Ông Phương cho rằng, nhóm cổ phiếu đang trở lại và tạo sóng, dẫn dắt là ngành thép – vốn đã bị điều chỉnh và tích luỹ đủ dài. Câu chuyện đầu tư công cả trăm ngàn tỷ đồng thì vật liệu xây dựng như thép chắc chắn phải sử dụng, cộng thêm giá thép thế giới tăng trở lại. Đây sẽ là sóng chính cho thời gian tới.
Ở nhóm doanh nghiệp hưởng lợi đầ tư công, như cơ sở hạ tầng có FCN, LCG, cũng rất đáng chú ý.
Nhóm cổ phiếu kế tiếp là bất động sản khu công nghiệp, dù đã được nói khá nhiều, nhưng từ năm 2022, đường bay quốc tế mở lại dần thì việc cho thuê, mở nhà xưởng… của doanh nghiệp FDI mới được hiện thực hoá nhiều hơn, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội rõ hơn.
Nhóm thứ 3 theo ông Phương vẫn là ngành chứng khoán, thanh khoản và thị trường sôi động vẫn giúp các CTCK tăng thu nhập, đưa EPS ngành hấp dẫn dần lên. Trong đó, nhu cầu tăng vốn vẫn còn rất nhiều bởi nhu cầu vay margin vẫn đang nở rộng nên CTCK không dại gì bỏ qua cơ hội này. Thông thường, tăng vốn qua phát hành thêm cổ phiếu và giá phát hành thường cao hơn mệnh giá, mang lại thặng dư cho CTCK; hoặc tăng vốn thông qua chia cổ tức – là những thông tin xúc tác cho giá cổ phiếu.
Với ngành ngân hàng, vẫn tăng nhưng phân hoá rất rõ, tập trung ở ngân hàng có lợi nhuận tốt, và/hoặc có câu chuyện riêng mới hấp dẫn dòng tiền.
Nhóm ngành không dẫn dắt nhưng sẽ tích cực hơn, góp phần vào “cuộc vui” là dầu khí và dệt may. Trong đó, dầu khí với diễn biến giá dầu trên 90 USD/thùng và dự kiến vẫn duy trì vùng cao này (kì vọng lên 100 USD/thùng thì cần thêm thời gian theo dõi) – góp phần tăng lợi nhuận cho nhiều DN dầu khí, qua đó giá cổ phiếu dầu khí cũng hưởng lợi.