Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch cuối tháng với khối lượng giao dịch thấp nhất từ đầu năm tới nay. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HSX chỉ ở mức hơn 469 triệu cổ phiếu, giảm hơn 20% so với phiên trước và đạt 12.310 tỷ đồng về giá trị. Chỉ số VN-Index cũng có diễn biến tiêu cực khi áp lực bán bị gia tăng mạnh cuối phiên khiến không giữ được vùng giá hỗ trợ tâm lý quan trọng quanh 1.250 điểm.
Kết thúc quý II/2024, VN-Index dừng ở 1.245 điểm, giảm 3,02% so với cuối quý I/2024. Tuy vậy kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, VN-Index vẫn tăng 10,21% so với cuối năm 2023.
Xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN-index đang kém tích cực khi không giữ được vùng hỗ trợ mạnh, khả năng sẽ phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.250 điểm - 1.255 điểm trong tuần này và vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.230 điểm, tương ứng cạnh dưới của kênh giá trung hạn kéo dài nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay.
Xu hướng ngắn hạn chỉ có thể cải thiện tích cực trở lại chỉ khi VN-Index vượt lên lại vùng kháng cự quanh 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất tháng 9/2023.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, nếu nhìn trên một con sóng lớn từ cuối tháng 10/2023 thì có thể phần lớn nhà đầu tư đang nắm giữ giá vốn ở mức thấp hay là một danh mục có lãi. Nếu nhìn trên một con sóng nhỏ bắt đầu từ cuối tháng 4 năm nay, thì bình quân các cổ phiếu đã tăng giá trên 15%.
Như vậy, nếu một nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn thì việc bán ra cổ phiếu ở giai đoạn này là điều hết sức bình thường khi mà không có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ trong thời gian qua nhưng nhà đầu tư muốn bảo toàn thành quả của mình.
Theo quan điểm của bà Thảo Như, việc điều chỉnh của thị trường trong tuần qua là điều cần thiết để thị trường có thể tiến lên những cột mốc cao hơn và điều quan trọng là thị trường sẽ điều chỉnh đến mức độ nào để chúng ta tận dụng được cơ hội trong đợt điều chỉnh lần này.
Ông Hoàng Tuấn, Chuyên gia tư vấn chứng khoán Công ty Chứng khoán SSI, thị trường phát đi tín hiệu quản trị rủi ro cho những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao (trên 70% NAV), nhà đầu tư nên hạn chế mua mới khi biến động tăng cao đi kèm áp lực cung gia tăng mạnh. Kịp thời hạ tỷ trọng khi thị trường có những nhịp hồi ngắn trong những phiên tiếp theo, tránh hoạt động bán tháo.
Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 30-50%/NAV.
Những nhóm ngành có thể quan sát khi về hỗ trợ gồm ngân hàng (STB, ACB, MBB), xây dựng (CTD), thép (HPG, HSG), logistic (GMD).
Theo quan điểm của FIDT, khi chỉ số VN-Index đã và đang điều chỉnh mạnh về các vùng hỗ trợ mạnh, cùng với các rủi ro thị trường mang tính ngắn hạn, hành động hợp lý của nhà đầu tư “mua & gia tăng tỷ trọng cổ phiếu” một cách an toàn và chậm rãi. Do đó, đây là vùng khá tích cực cho những cổ phiếu của các doanh nghiệp có nội tại tốt đồng thời có mức chiết khấu hấp dẫn.
Chuyên gia FIDT cho rằng, nhà đầu tư sẽ có hành động tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khi VN-Index chiết khấu về vùng 1.220 - 1.200, hoặc có các dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn thành công.