Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Thu học phí năm học 2023 - 2024 theo mức sàn, cao nhất 300.000 đồng/tháng
Phương Linh - 05/07/2023 14:13
Hà Nội thông qua mức thu học phí với giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2023 - 2025 và mức trần học phí đối với các trường công chất lượng cao năm 2023 - 2024.

Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 với hình thức học trực tiếp sẽ bằng mức học phí năm học 2022 - 2023 và bằng mức sàn khung học phí theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 81.

Tuy nhiên, nghị quyết vừa thông qua quyết định không hỗ trợ 50% học phí như các năm học trước đó. Vì vậy, số tiền thực đóng của học sinh năm nay sẽ tăng gần gấp đôi năm trước. 

Theo mức thu học phí đề xuất của năm học 2023 - 2024, tổng số thu học phí từ học sinh dự kiến đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua 3 Nghị quyết về mức thu học phí năm học 2023 - 2024. Cụ thể, Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 quy định mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ.

Các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Hà Nội được chia thành 3 khu vực: thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số.

Trong đó: Vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn) mức thu 4 cấp là 300.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã, trừ các xã miền núi) mức thu 3 cấp là 100.000 đồng/học sinh/tháng, cấp trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng; vùng dân tộc thiểu số và miền núi (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã miền núi) mức thu 3 cấp là 50.000 đồng/học sinh/tháng, cấp trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu trên.

Nghị quyết Quy định về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2023-2024 quy định, mức trần học phí học trực tiếp với trường mầm non là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng; trường tiểu học là 5,9 triệu đồng/học sinh/tháng; trường THCS là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng và trường THPT là 6,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu trên.

Trên cơ sở mức trần học phí, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí cụ thể (tỷ lệ tăng học phí không quá 7,5%) sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc quy định mức thu học phí đối với học sinh tiểu học dùng làm căn cứ để thực hiện mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định (theo quy định tại Nghị định số 81 học sinh tiểu học trường công lập thuộc đối tượng không phải đóng học phí).

Tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 của Chính phủ ban hành năm 2021.

Phó thủ tướng lưu ý, Bộ cần đánh giá căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đồng thời, cần nghiên cứu cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, phổ thông công lập với các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tin liên quan
Tin khác