Cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, Hậu Giang có diện tích trồng lúa khá lớn, với 80.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Lúa là cây trồng chủ lực của địa phương nên được quan tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Hậu Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn ở châu thổ sông Mê kông.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước… Hậu Giang đã hình thành một vùng tập trung cây ăn quả nhiệt đới gần 21.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm, với các giống cây ăn trái đã được cải thiện, có nguồn gen quý hiếm như: cam, quít, bưởi năm roi Phú Hữu, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài, dâu…
Hậu Giang là tỉnh có sản lượng cá lớn ở châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. |
Hậu Giang còn là địa phương có diện tích đất trồng mía và khóm (thơm) lớn trong cả nước. Tỉnh có 16.000 ha mía, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Khóm là loại cây có thế mạnh được trồng tập trung ở TP. Vị Thanh, huyện Long Mỹ, diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng 15.000 tấn/năm. Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh khóm với giống mới năng suất cao, đạt tiêu chuẩn chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu và đã xây dựng thương hiệu “khóm Cầu Đúc” để quảng bá đặc sản này của địa phương.
Thủy sản là lĩnh vực có thế mạnh thứ hai sau cây lúa và có nhiều tiềm năng phát triển ở Hậu Giang. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh gần 54.000 ha và khoảng 15.000 ha mặt nước sông, rạch với sản lượng thủy sản khai thác 33.000 - 35.000 ha. Ở Hậu Giang, đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1000, hình thành vùng nuôi tập trung như: cá tra ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, cá đồng ở Vị Thủy, Long Mỹ. Một số loài thủy sản ở Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như: cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang…
Để khai thác tiềm năng nông nghiệp địa phương, tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục đích nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; nâng cao thu nhập và và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo.
Hậu Giang kêu gọi các dự án đầu tư trong nông nghiệp để giải quyết các nguồn nguyên liệu dồi dào của tỉnh như: chế biến lúa gạo, thủy sản, mía đường, khóm, trái cây nhiệt đới các loại; đầu tư hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa, chương trình hợp tác phát triển trong và ngoài nước về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch các vùng chuyên canh mía, lúa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả đặc sản, rau xanh… gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành mô hình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm” độc đáo, khác biệt, phù hợp với các dự án đầu tư trên địa bàn.