Hiệp hội kinh doanh vàng đề nghị NHNN tách bạch hoạt động huy động vàng của Nhà nước và của doanh nghiệp |
Cần tách bạch hoạt động huy động vàng của Nhà nước và của doanh nghiệp
Trong văn bản vừa gửi Thống đốc NHNN góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị NHNN xem xét lại quy định về huy động vàng.
Theo dự thảo, NHNN độc quyền huy động vàng. Như vậy, hoạt động vay mượn vàng từ các cá nhân của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng sẽ có nguy cơ bị cấm.Trong những năm qua, số lượng vàng vay của các doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ là khá nhỏ chỉ ở mức dưới 20.000 lượng (tương đương 750 kg), nếu so với thời điểm đỉnh cao các NHTM huy động trước đây lên đến 35 tấn vàng.
Trong khi đó, quy mô thị trường vàng Việt Nam hiện khoảng 350-400 tấn, nên khi doanh nghiệp có nhu cầu mua vàng trên thị trường để trả cho người cho vay (750 kg ~ 0,2% so với quy mô của thị trường) thì sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì về thanh khoản và hoàn toàn nằm trong năng lực và tầm kiểm soát của các doanh nghiệp.
Hiệp hội cho rằng, không thể đánh đồng việc huy động vàng với việc doanh nghiệp vay mượn vàng vì đối tượng huy động vàng mà Dự thảo Nghị định quy định là NHNN. Còn việc doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân là quan hệ dân sự mà Luật doanh nghiệp và Luật Dân sự cho phép,cũng như phù hợp với tinh thần Nghị quyết 35- NQ-CP ngày 18/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.Nên việc vay vàng của doanh nghiệp từ tổ chức và cá nhân để làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức là phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
“Việc doanh nghiệp vay mượn vàng của dân chỉ là một công đoạn hỗ trợ vốn bằng nguyên liệu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể coi đây là hoạt động kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp vay vàng của dân, nhưng vẫn trả lãi mặc dầu rất thấp và không cho vay lại nên đây không phải là hoạt động giữ hộ”, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định.
Với lập luận này, Hiệp hội đề nghị đề nghị NHNN tách bạch rõ 2 khái niệm: Huy động vàng của Nhà nước để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế và vay vàng của doanh nghiệp để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Lý do là nếu không tách bạch mà vẫn để khái niệm như tinh thần trong Dự thảo thì vô hình trung làm cho doanh nghiệp vô cùng khó khăn và cản trở việc phát triển sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trước đó, Bộ Tư Pháp cũng đã có ý kiến tại văn bản số 3030/BTP- PLDSKT ngày 05/09/2016 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng: Chưa có cơ sở pháp lý để khẳng định việc doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ vay vàng của các tổ chức cá nhân làm nguyên liệu là “hoạt động kinh doanh vàng khác”.
Nên bỏ quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản
Cũng trong văn bản vừa gửi Thống đốc NHNN, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng trên tài khoản là chưa rõ là NHNN sẽ giao dịch với đối tượng nào (trong nước hay quốc tế). vì vậy, cần làm rõ nội dung này để đảm bảo thực thi chính sách được thuận lợi và phù hợp với thông lệ Quốc tế.
Về độc quyền kinh doanh vàng tài khoản, Hiệp hội cho rằng, chức năng của các NHTW trên thế giới không trực tiếp kinh doanh mà chỉ là quản lý, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Do vậy quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế, đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường.
Thực tế, trên thế giới không có NHTW nào sản xuất vàng miếng, mà chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Nếu NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và phân phối ra thị trường, thì sẽ trở thành đơn vị kinh doanh, như vậy không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Chưa kể, nếu NHNN sản xuất vàng miếng có nghĩa là đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu Quốc gia vừa tốn kém chi phí đồng thời lại biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới.
Điều này có nghĩa, tính thanh khoản sẽ không cao, giá bán lại giảm hơn vàng tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, NHNN cần cân nhắc vấn đề này để vừa bảo đảm được yêu cầu can thiệp thị trường và vừa tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước đồng thời cũng phù hợp với thông lệ Quốc tế.