Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành 7,55 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 2,87% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Như vậy, ước tính công ty sẽ huy động được 75,5 tỷ đồng nếu phát hành thành công.
Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ESOP từ 30/9 đến 3/11/2022.
Điểm đáng lưu ý, cổ phiếu ESOP đang thấp hơn 41,2% so với giá thị trường đang giao dịch ngày 29/9.
Khó khăn huy động vốn
Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 24/8, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc có tiếp tục chào bán 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ theo kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên đầu năm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT cho biết Công ty mới tìm được đối tác phát hành 5 triệu cổ phiếu, còn lại 69 triệu cổ phiếu sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác trong thời gian tới.
Ban đầu Công ty đã làm việc với nhà đầu tư trong nước, sau khi có bất ổn thị trường bất động sản, bán cổ phiếu không công bố của một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, điều này dẫn tới đối tác dự kiến đầu tư vào Hoà Bình đã gặp khó khăn và không tiếp đầu tư vào Hoà Bình.
Riêng đối với nhà đầu tư ngoại dự kiến tham gia 5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá 32.500 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư ngoại yêu cầu nếu phát hành thêm trong tương lai phải có sự chấp thuận của đối tác và không thấp hơn mức họ thực hiện mua.
Được biết, cổ đông chiến lược tham gia mua 5 triệu cổ phiếu là Sanei Architecture Planning Co., Ltd, số lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và huy động được 162,5 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng số tiền huy động để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng.
Ngoài ra, với 5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, chiếm hơn 1,9% tổng lượng cổ phiếu đã phát hành và cao hơn thanh khoản trung bình 20 phiên giao dịch là 3,9 triệu cổ phiếu/phiên (tính tới 29/9). Như vậy, lượng cổ phiếu dự kiến phát hành chỉ chiếm trọng số nhỏ trong tổng lượng cổ phiếu đã phát hành những chịu rằng buộc về giá chào bán cho nhóm cổ đông mới trong tương lai nếu như Công ty muốn huy động vốn.
Thêm nữa, Hoà Bình cũng dự kiến trong 3 năm tới, sẽ tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào kế hoạch đầu tư ra thị trường nước ngoài. Trong đó, khi biên lợi nhuận đạt hơn 3%, Công ty mới thực hiện giảm lượng tái đầu tư và hiện tại đang rất cần nguồn vốn để phục vụ hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Trong đó, tham vọng 10 năm tới sẽ đưa doanh thu thị trường nước ngoài lên mức 70% tổng doanh thu của Công ty. Trong đó, năm 2032, doanh thu ước tính 437.500 tỷ đồng, lợi nhuận 21.875 tỷ đồng và biên lợi nhuận đạt 5,5%.
Với giá cổ phiếu HBC đang giao dịch trên sàn là 17.000 đồng/cổ phiếu (ngày 29/9), thấp hơn mức phát hành riêng lẻ 32.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với việc chỉ mới phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 162,5 tỷ đồng, Công ty đã bị hạn chế về mức giá chào bán cho cổ đông các nhà đầu tư tiếp theo trong các đợt huy động vốn sắp tới. Nếu như giá cổ phiếu trên sàn không tăng vượt mức 32.500 đồng/cổ phiếu, Công ty sẽ rất khó chào bán và huy động thêm vốn từ nhà đầu tư mới.
Xây dựng Hòa Bình đã thoái vốn tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 7.126,5 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 55,77 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,2% về còn 5,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 2,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 11,11 tỷ đồng lên 401,37 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 224,6%, tương ứng tăng thêm 164,25 tỷ đồng lên 237,38 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 56,9%, tương ứng tăng thêm 85,14 tỷ đồng lên 237,64 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 22,6%, tương ứng giảm 4,4 tỷ đồng về 15,09 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 48,1%, tương ứng tăng thêm 94,36 tỷ đồng lên 290,34 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng lỗ thêm 7,63 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 24,06 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 16,43 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận lỗ 138,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 25,29 tỷ đồng, tức giảm tới 163,99 tỷ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính.
Hòa Bình có thuyết minh doanh thu tăng chủ yếu lãi chậm thanh toán tăng thêm 97,17 tỷ đồng lên 100,57 tỷ đồng; lãi từ thanh lý công ty con tăng 58,74 tỷ đồng lên 126,52 tỷ đồng …
Được biết, ngày 30/6/022, Hòa Bình đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 50,49% quyền sở hữu tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận cho nhà đầu tư với giá trị 250 tỷ đồng, lãi từ giao dịch chuyển nhượng là 126,52 tỷ đồng, phần lãi này đã được ghi nhận trên Báo cáo kết quả hợp nhất. Tính tới 30/6/2022, Hòa Bình không còn nắm quyền sở hữu tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận.
CTCP Tiến Phát Tân Thuận được thành lập năm 2016, địa chỉ tại số 235 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM và người đại diện pháp luật là ông Võ Minh Hoàng. Tiến Phát Tân Thuận hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tiến Phát Tân Thuận được biết tới là chủ đầu tư dự án Ascent Garden Homes, cao 21 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng 10.076 m2, tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.
Thêm nữa, lợi nhuận khác tăng lỗ chủ yếu do ghi nhận tiền phạt 21,85 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ 1,14 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công chỉ mới hoàn thành được 15,9% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách khá xa kế hoạch năm.
Hòa Bình ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục 1.358,2 tỷ đồng
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.358,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 691,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 200,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.459,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Được biết, từ năm 2006 tới nay, chưa năm nào dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, năm 2017, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm lớn nhất là 1.095,07 tỷ đồng. Thêm nữa, từ năm 2017 đến năm 2020, Công ty liên tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm với tổng giá trị âm lên tới 2.274,55 tỷ đồng và chỉ mới dương trở lại trong năm 2021 với giá trị 563,52 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hòa Bình tăng 10,3% so với đầu năm lên 18.289,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.013,7 tỷ đồng, chiếm 71,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.737,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.475,6 tỷ đồng lên 13.013,7 tỷ đồng. Trong đó, có tới 5.832,2 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, 5.391,2 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, 1.680,1 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác …
Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 28,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.436,9 tỷ đồng lên 6.534,6 tỷ đồng và chiếm 35,7% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 30,8% tổng nguồn vốn).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu HBC giảm 1.150 đồng về 17.000 đồng/cổ phiếu.