Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế). |
Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hướng đến nhiều mục đích, trong đó có việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ?
Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn truyền thống (đặt in, tự in), trước khi sử dụng phải thông báo với cơ quan quản lý thuế về việc phát hành hóa đơn. Trong quá trình sử dụng, phải báo cáo với cơ quan thuế tình hình sử dụng theo quý và khi hóa đơn bị mất, hỏng, hủy thì cũng phải báo cáo với cơ quan thuế. Tóm lại, doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất 5 thủ tục liên quan đến hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, áp dụng HĐĐT theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục duy nhất là đăng ký sử dụng hóa đơn.
Ngay cả thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn cũng rất đơn giản. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet hay bất cứ thiết bị công nghệ thông tin nào có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế là có thể đăng ký sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế. Trong thời gian một ngày làm việc, cơ quan thuế bắt buộc phải trả lời có chấp nhận cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn hay không trên Cổng thông tin điện tử.
Thế còn việc sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế thì sao, thưa ông?
Sử dụng hóa đơn truyền thống, doanh nghiệp đã từng vi phạm pháp luật về thuế, có mức độ rủi ro cao trong công tác quản lý thuế, tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cần hóa đơn để giao cho khách hàng sẽ được cơ quan thuế bán hóa đơn theo từng lần phát sinh để sử dụng, nếu không thuộc đối tượng tự in, đặt in hóa đơn. Hóa đơn do cơ quan thuế bán ra được quản lý rất chặt chẽ, nên tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mất nhiều chi phí về thời gian, nhân lực khi sử dụng hóa đơn này.
Thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP, cơ quan thuế không bán hóa đơn nữa, mà bắt buộc các đối tượng không đủ điều kiện sử dụng HĐĐT bình thường phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đối tượng bắt buộc phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gồm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế; hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Thưa ông, vì sao bắt buộc hộ, cá nhân sử dụng từ 10 lao động trở lên và có doanh thu từ 3 tỷ đồng hoặc 10 tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực?
Trên thực tế, rất nhiều hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu trên 3 tỷ đồng hoặc 10 tỷ đồng/năm, tức là có quy mô lớn hơn doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn đăng ký là hộ kinh doanh, được nộp thuế khoán và không phải sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Chính tình trạng này đã và đang gây thất thu ngân sách nhà nước và bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ (sử dụng dưới 10 lao động và có doanh thu dưới 3 tỷ đồng hoặc 10 tỷ đồng/năm).
Quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế còn nhằm khuyến khích hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy mô lớn thành lập doanh nghiệp, vì khi thành lập doanh nghiệp họ được sử dụng HĐĐT bình thường, không bị quản lý chặt chẽ như sử dụng HĐĐT có mã xác thực.
Hàng hóa lưu thông trên thị trường, khi cơ quan quản lý nhà nước như công an, quản lý thị trường…. kiểm tra, người vận chuyển, bán hàng chỉ cần trình tờ hóa đơn, nếu sử dụng hóa đơn truyền thống. Nhưng với HĐĐT thì lấy gì để chứng minh là hàng hóa hợp pháp?
Khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, người có thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước (quản lý thị trường, công an, biên phòng…) không được yêu cầu chủ hàng, người vận chuyển cung cấp hóa đơn giấy mà phải sử dụng các thiết bị có kết nối Internet để tự truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu xem hàng hóa đang lưu thông, vận chuyển có hợp pháp hay không. Đây là một trong những cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong việc sử dụng hóa đơn nhằm giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hàng hóa chuyển về cơ quan quản lý nhà nước.
Ông không tính đến trường hợp không thể truy cập được Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để xác minh nguồn gốc hàng hóa vì… nghẽn mạng Internet, thậm chí có khu vực còn không có mạng Internet?
Mạng 3G, thậm chí là 4G đã phủ sóng khắp cả nước, mạng 5G cũng chuẩn bị phủ sóng, nên tình trạng nghẽn mạng rất ít khi xảy ra, kể cả vào những thời điểm có rất nhiều người sử dụng như dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, lo rủi ro không kiểm tra được HĐĐT đối với hàng hóa đang lưu thông trên thị trường do ngại nghẽn mạng Internet có thể loại bỏ. Trên lãnh thổ Việt Nam, có chăng chỉ ở khu vực đường mòn, lối mở rất hẻo lánh, không có người dân sinh sống mới chưa phủ sóng Internet, nên lo ngại ở đâu đó không kiểm tra được HĐĐT do không có mạng Internet cũng bị loại bỏ.
Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, người vận chuyển hàng hóa chỉ cần trình bản sao bằng giấy của HĐĐT (không cần ký tên, đóng dấu), thì cũng được chấp nhận, nhiệm vụ còn lại của cơ quan quản lý nhà nước là phải tra cứu lại dữ liệu HĐĐT từ bản sao bằng giấy để xác định nguồn gốc hàng hóa. Còn trong trường hợp vô cùng hãn hữu là không có bản sao HĐĐT bằng giấy, thì cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách xác nhận HĐĐT thông qua các phương tiện khác như điện thoại di động, điện thoại cố định, tin nhắn…