Theo chương trình làm việc, sáng 25/7, Quốc hội nghe báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; nghe trình và thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước; nghe trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Chiều 25/7, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch Nước tuyên thệ . Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Theo kết quả Hội nghị Trung ương 3 khoá XII của Đảng tổ chức đầu tháng 7/2013, Chủ tịch nước đương nhiệm Trần Đại Quang tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ này trong khoá XIV của Quốc hội. Ông Trần Đại Quang cũng là nhân sự duy nhất được Trung ương Đảng giới thiệu trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp tục được đề cử bầu Chủ tịch Nước nhiệm kỳ tiếp theo. |
GS.TS Đại tướng Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã có 40 năm công tác trong ngành công an. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá X đến khoá XII. Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI và XII.
Năm 2011 ông được Quốc hội khoá XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày 29/12/2012, ông Trần Đại Quang được Chủ tịch nước trao quyết định thăng cấp bậc hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng.
Ông Trần Đại Quang là vị tướng thứ hai được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, trước đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992-1997.
Ngày 2/4/2016, Đại tướng Trần Đại Quang đã được Quốc hội Khóa XII bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Tại lễ tuyên thệ lúc đó, Chủ tịch nước đã tuyên thệ nguyện làm hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng thời công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên trường quốc tế.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội..
Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước đảm nhận các chức danh: Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh...
Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
6. Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.