Đầu tư Phát triển bền vững
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới
Phương Linh - 10/08/2023 07:21
Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã vận động nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nên những thay đổi to lớn, toàn diện.

Nâng cao tinh thần tiên phong, gương mẫu

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, kết quả đạt được của Chương trình đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. 

Các tôn giáo đang đồng hành, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở khắp các địa phương. 

Kết quả đó cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của đồng bào có đạo, chung tay bằng những việc làm cụ thể, gương mẫu đi đầu. Tại huyện Ba Tri, Bến Tre, phong trào xây dựng nông thôn mới được hưởng ứng, lan truyền mạnh mẽ từ sự tham gia của chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài Ban Chỉnh Bến Tre. Trước kia, người Đạo Cao Đài nơi đây đa số là nông dân nghèo, các giống lúa chưa được đổi mới, hệ thống thủy lợi lạc hậu, nước mặn xâm nhập, năng suất thu hoạch không cao. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới chạm đúng ước mơ được thay đổi để diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Các lớp học đạo đều nhanh chóng lồng thêm thông tin để tín đồ hiểu về mục đích, ý nghĩa chương trình, để từ đó hưởng ứng, góp sức thực hiện, bám vào từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, công việc đầu tiên là chung tay cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi, giúp thay đổi cơ cấu và năng suất mùa vụ.

Nhận diện nguồn lực mạnh mẽ, nhiều tỉnh, thành, địa phương đã thông qua các tôn giáo để đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Điển hình như Thái Nguyên hợp sức ba tôn giáo là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành, tiên phong trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” và thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. 

Theo đó, một số mô hình được triển khai tới tận thôn bản, tiêu biểu là mô hình khu dân cư “Đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” ở xóm Làng Phan, Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, mô hình dân vận khéo “sống tốt đời đẹp đạo” ở xóm Đồn, xã Bình Thành và xóm Nản, thị trấn Chợ Chu, Định Hóa... Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang…, những khu vực có đông đồng bào theo đạo cũng trở thành điểm xây dựng nông thôn mới, từ đó lan tỏa ra các khu vực khác.

Chung tay góp sức, góp của

Không chỉ đóng vai trò tiên phong trở thành kênh kết nối để tín đồ và nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều tổ chức tôn giáo còn trực tiếp tham gia, hy sinh lợi ích riêng để đóng góp vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn. Đồng hành với Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản trị chùa Prếk On Đơk (Cần Đước), xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, đã chủ động chung tay cùng các cấp chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Thấy được khó khăn trên địa bàn huyện về quỹ đất khi cần xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ban Quản trị chùa đã nguyện hiến 5.000m đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên của huyện. Sau đó, tiếp tục hiến hơn 12.000m đất để xây dựng Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Thạnh Phú. Qua đó, góp phần tích cực cho con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ.

Bám sát tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các Phật tử, giáo dân tỉnh Phú Thọ đã tình nguyện hiến đất, tham gia đóng góp kinh phí, công lao động để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa. Tiêu biểu như đồng bào các tôn giáo và nhân dân thành phố Việt Trì hiến trên 17.000m đất, trên 10 tỷ đồng, tự nguyện đóng góp 13.500 công lao động để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...

Có thể thấy, vai trò rất lớn của các tôn giáo khi đồng hành, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ rệt diện mạo, đời sống nông thôn. Cộng đồng tôn giáo đã thể hiện trách nhiệm xã hội của các tôn giáo, tạo sự ổn định và đoàn kết trong nhân dân, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.

Tin liên quan
Tin khác