Đầu tư Phát triển bền vững
Hải Phòng chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững
Q.Nga - 12/05/2024 08:34
Phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang là sự lựa chọn của nhiều KCN tại Hải Phòng, bởi điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đạt được nhiều tiêu chí nhất của một khu công nghiệp sinh thái

Xu hướng tất yếu

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021.

“Theo xu hướng này, mô hình KCN truyền thống được chuyển đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận yêu cầu quốc tế là đòi hỏi đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp”, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh tại Diễn đàn Thúc đẩy bền vững KCN Việt Nam.

Chia sẻ về định hướng phát triển các KCN, khu kinh tế trên địa bàn TP. Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Từ lâu, Thành phố đã xác định rõ việc phát triển bền vững các KCN theo hướng KCN sinh thái là tất yếu. Đây chính là điểm rất quan trọng quyết định lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển môi trường bền vững”.

Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có 2 KCN đi theo hướng KCN sinh thái là KCN Deep C (540 ha) và KCN Nam Cầu Kiền (gần 270 ha). Nếu tính trên tổng diện tích hơn 6.808 ha của 14 KCN tại Hải Phòng, KCN sinh thái đang chiếm 11,9%.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã chuẩn bị sẵn về hạ tầng và các điều kiện để có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon từ năm 2025.


- Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec

Chủ động đầu tư, tìm kiếm, thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, năm 2019, DEEP C hợp tác cùng Dow Chemical xây dựng con đường từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam với chiều dài 1,4 km. Cuối năm 2021, tua bin gió với chiều cao đến 100 m và cánh quạt thiết kế dài hơn phiên bản gốc để tối ưu sức gió đã cung cấp 2,3 MW điện trực tiếp vào lưới điện nội bộ của Deep C.

Doanh nghiệp định hướng đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo, đồng thời sẽ nghiên cứu công nghệ mới để thực hiện tham vọng tự chủ 100%”, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc DEEP C chia sẻ.

Còn tại KCN Nam Cầu Kiền, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Shinec đã dành hơn 33% diện tích để trồng cây xanh, chủ động thực thiện các giải pháp phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đánh giá của các chuyên gia, Nam Cầu Kiền hiện là KCN đạt được nhiều tiêu chí nhất của một KCN sinh thái.

“Điểm nổi bật tại KCN Nam Cầu Kiền là sự liên kết bền chặt của các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành. Họ trở thành khách hàng, nhà cung cấp tiềm năng của nhau, hình thành các chuỗi tuần hoàn kép và lợi ích kép. KCN Nam Cầu Kiền đã chuẩn bị sẵn về hạ tầng và các điều kiện để có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon từ năm 2025”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec thông tin.

Không đứng ngoài xu thế, KCN Nam Đình Vũ của Tập đoàn Sao Đỏ cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ngoại để phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời, cung cấp cho KCN. Tập đoàn này đã ký kết hợp tác với CMS Solar để đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Hai bên đặt mục tiêu hoàn tất 50 MWp điện mặt trời áp mái trong giai đoạn đầu vào giữa năm 2024, đạt 200 MWp vào năm 2025 và 700 MWp vào năm 2030.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Phát triển bền vững trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp giờ đây không chỉ đơn thuần là những cam kết về môi trường. Bởi lẽ, Liên minh châu Âu (EU), một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của nước ta, đã thực hiện Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn. Thị trường này cũng áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon thông qua việc đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải CO2 ở nước sở tại. Không chỉ EU, mà Mỹ, Nhật Bản… cũng ngày càng nâng chuẩn về môi trường trong sản xuất.

Xuất phát từ yêu cầu của các nhà mua hàng toàn cầu, các nhà đầu tư KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Lợi ích trực tiếp đối với doanh nghiệp hoạt động trong KCN sinh thái là các doanh nghiệp sản xuất kết hợp được với nhau để thực hiện các giải pháp xanh, sạch hơn, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, yêu cầu giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ và phải luôn làm mới mình để tồn tại, phát triển.

Hành trình xây dựng các KCN xanh, thông minh, hướng tới KCN sinh thái nhằm từng bước giảm “dấu chân carbon” đang được các KCN quan tâm và coi trọng, bởi điều này sẽ giúp thu hút làn sóng đầu tư mới với chất lượng cao hơn.

Tin liên quan
Tin khác