Cụ thể, trong kim ngạch xuất khẩu năm 2015 và 2016 với số liệu tương đương là 162,02 tỷ USD và 176,63 tỷ USD; tỷ trọng đồng đô la Mỹ (USD) dùng trong thanh toán chiếm gần 91%.
Tiếp theo đó là đồng Euro (EUR) với tỷ trọng quanh mức 4,5%; đồng Bảng Anh(GBP) chiếm tỷ trọng 1,2%; đồng Yên Nhật Bản (JPY) chiếm 1% và các ngoại tệ khác chiếm phần còn lại.
Trong phần nhập khẩu với kim ngạch 165,57 tỷ USD và 174,12 tỷ USD, đồng USD cũng vẫn là chủ đạo với hơn 92%.
Tiếp đó là đồng JPY với khoảng 3%; đồng EUR chiếm 2,5% - 2,9%; đồng GBP chiếm 0,1%; còn lại các loại ngoại tệ khác.
Thực tế thanh toán này cho thấy, tỷ trọng sử dụng đồng JPY, GBP hay đồng Nhân dân tệ (CNY) không có nhiều thay đổi trong năm qua.
Với đồng EUR, tỷ trọng thanh toán với hàng nhập khẩu có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2016.
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016 đã tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD.
Trước đó, vào năm 2006, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 84,7 tỷ USD và cán mốc 100 tỷ USD vào tháng 12/2007.
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO cũng được cho là khá cao và tăng tương đối nhanh. Cụ thể đã tăng từ 144% trong năm 2007 lên 173% trong năm 2016.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang khai thác được cả thế mạnh của kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới.