Indonesia tăng mua gạo từ các thị trường, trong đó có Việt Nam. |
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia vừa ra thông báo mời thầu gạo tháng 9 với sản lượng lên đến 450.000 tấn, lượng mời thầu cao nhất từ trước đến nay, loại gạo trắng 5% tấm sản xuất trong niên vụ 2024 (đã xay xát không quá 6 tháng).
Theo yêu cầu của Indonesia, gạo phải có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan và sẽ nhận hàng trong tháng 10 và 11.
Trước đó, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 7/2024 với số lượng 320.000 tấn gạo 5% tấm, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 7 trên tổng số 12 gói thầu, tổng số lượng gạo trúng thầu là 185.000 tấn. VinaFood 1 là đơn vị trúng thầu nhiều nhất, với 104.000 tấn.
Nửa đầu năm nay, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với mức tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng nhập khẩu gần 709.000 tấn.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 563 USD/tấn, bằng với Thái Lan và cao hơn gạo Pakistan cùng phẩm cấp 26 USD/tấn; thấp hơn so với cuối tháng 8 khoảng 10 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được 837.000 tấn gạo, thu về 502.000 USD; giảm 6% về lượng và gần 5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo mang về giá trị gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng mạnh 21,7% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, kỳ vọng ngành gạo cán mốc khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.
Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, chuyên nhập gạo Việt Nam, như Indonesia, Philippines, Singapore… nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa là cú hích quan trọng tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu gạo trong chặng đường “về đích” năm 2024.